HÀ NỘI (NV) - Lời tự thú về nạn mua “ghế” công chức với giá không dưới 100 triệu đồng, tương đương 5,000 đô của một viên chức cao cấp tại Hà Nội vừa qua vẫn tiếp tục gây xúc động dư luận.
|
Cán bộ lớp tại chức, vừa học vừa chơi. (Hình: báo Dân Trí)
|
Chỉ khoảng 5 ngày trước thôi, hôm 7 tháng 12, 2012, ông chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra của Thành Ủy Hà Nội “huỵch toẹt” trong một cuộc họp với các ông bà nghị Hà Nội, khẳng định rằng nạn mua “ghế” công chức diễn ra nhan nhản tại thành phố này. Ông còn thẳng thắn cho rằng các trưởng phòng nội vụ quận, huyện trực thuộc đã đứng ra tiếp nhận hồ sơ và nhận tiền mua “ghế” của các thí sinh ngạch công chức Hà Nội. Ông Dực cũng nói rằng có hơn 30% công chức Hà Nội ăn lương, nhưng không làm được việc.
Theo giadinh.net, ông giám đốc Sở Nội Vụ Hà Nội vừa “bật mí” kế hoạch của chính quyền Hà Nội. Theo ông, Hà Nội sẽ mở các lớp huấn luyện công chức liên tiếp trong hai năm tới, quy tụ khoảng 500 người mỗi năm để “tạo nguồn cung cấp công chức.” Theo ông, người muốn theo học lớp này phải tốt nghiệp trường đại học chính quy. Ðiều đó, theo ông Trần Huy Sáng, có nghĩa là chính quyền Hà Nội không chấp nhận giá trị của bằng đại học tại chức.
Dù mạnh mẽ nói về kế hoạch cách tân của mình, ông Trần Huy Sáng vẫn không làm dư luận hài lòng.
Một cư dân Hà Nội tên Nguyễn Phương Nam cho rằng khi nạn mua “ghế” còn diễn ra thì khó cải thiện được phẩm chất công chức, cho dù công chức được tuyển mộ có bằng đại học chính quy hay không. Một người khác thì cho rằng việc tỏ ra “cách tân” bằng cách tẩy chay bằng đại học tại chức đã bộc lộ sự bất lực của chính quyền Hà Nội.
Cũng theo dư luận, chủ trương mới của chính quyền Hà Nội chắc chắn sẽ làm nẩy sinh thêm tệ nạn tham nhũng. Vì bởi những người đã mua được “ghế” công chức, nay lo bị “thanh lọc,” mất “ghế,” sẽ tìm cách hối lộ để giữ “chiếc ghế” cho vững.
________________________
6.6 triệu đảng viên CSVN ăn bám ngân sách nhà nước
Chuyện Vỉa Hè
Tư Ngộ
HÀ NỘI (NV) - Có ít ra, 6.6 triệu hay 30% cán bộ đảng viên CSVN hiện nay đang ăn bám vào ngân sách nhà nước vì thuộc loại “cầm tay, chỉ việc cũng không làm được.”
|
Một cảnh thi tuyển công chức ở Sài Gòn. (Hình: báo Pháp Luật Việt Nam)
|
Con số nói trên không có gì mới vì đã từng được đề cập trong một phiên họp Quốc Hội CSVN hồi tháng 3 mà ông Bộ Trưởng Nội Vụ Nguyễn Thái Bình cam kết chấn chỉnh để giúp guồng máy nhà nước hoạt động hiệu quả. Ông nhìn nhận “bản thân tôi có nghe” chuyện chạy chức chạy quyền trong guồng máy nhà nước tốn nhiều tiền của mới có một “suất” nhưng “thực tế chỉ ra được thật khó,” theo báo Dân Trí ngày 26 tháng 3, 2012.
Theo ông Dực nói trong cuộc họp của thành phố ngày 7 tháng 12, 2012, muốn vào “biên chế” tức trở thành công chức tại các quận huyện của thành phố Hà Nội, người ta phải hối lộ “không dưới 100 triệu đồng.” Số tiền này là tiền lương ít nhất 8 năm liên tiếp căn cứ trên mức lương tối thiểu. Hệ quả của cách tuyển dụng cán bộ công chức nhà nước bằng cách ăn hối lộ là “có khoảng 30% số công chức làm việc tốt, 35% số công chức viên chức khá và trung bình; số còn lại chưa yên tâm khi giao công việc.”
Cái tỉ lệ này tương đương với tỉ lệ chung cho cả nước được nêu ra để chất vấn ông Bộ Trưởng Nội Vụ Nguyễn Thái Bình hồi tháng 3.
Tại cuộc chất vấn ông Bộ Trưởng Nội Vụ Nguyễn Thái Bình ở Quốc Hội, ông đại biểu Lê Như Tiến, kêu rằng “30% cán bộ làm được việc, 30% phải cầm tay chỉ việc, hơn 30% còn lại cầm tay chỉ việc vẫn không biết làm” mà ông cho là “do khâu tuyển dụng có vấn đề.”
Ông Nguyễn Thái Bình khoe bộ của ông “đang tiến hành xây dựng đề án cải cách chế độ công vụ công chức để cải thiện chất lượng công chức, viên chức cũng như hiệu quả giải quyết công việc của khối cơ quan nhà nước” và là “nhiệm vụ trọng tâm Bộ Nội Vụ đề ra trong nhiệm kỳ này.”
Thật ra, cả chục năm trước, chế độ Hà Nội đã loan báo kế hoạch “tinh giản biên chế” theo áp lực của các định chế tài trợ quốc tế nhưng rồi, guồng máy nhà nước từ trên xuống dưới mỗi ngày phình ra một lớn hơn chứ không hề nhỏ đi.
Ngày 4 tháng 4, 2012 đã diễn ra phiên họp đầu tiên của “Ban chỉ đạo trung ương về đề án tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức” CSVN “dưới sự chủ trì của Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc” và ông Nguyễn Thái Bình là “phó ban.” Suốt nhiều năm qua, chương trình “tinh giản biên chế” vẫn tái diễn cảnh đánh trống bỏ dùi chỉ vì tình trạng chạy “biên chế” hay “chạy chức” diễn ra phổ biến ở tất cả mọi cấp.
Sự phi lý của guồng máy công quyền CSVN là nuôi hàng triệu người không làm gì mà vẫn có lương. Lương cán bộ công chức thì ít ỏi không đủ sống nhưng lại có hàng đoàn người sẵn sàng hối lộ những số tiền lớn để có một “suất.”
Trên các báo Dân Trí ngày 27 tháng 3, 2012, 10 tháng 12, 2012, và 11 tháng 12, 2012, người ta thấy rất nhiều độc giả của báo này tố cáo số tiền hối lộ “100 triệu” ở Hà Nội là quá “bèo.” Ngay ở các tỉnh và ở những vùng hẻo lánh, tiền hối lộ đã cả 100 triệu đồng rồi.
Ở những cơ quan “có thu” như thuế vụ, kho bạc nhà nước, hải quan, v.v... thì tiền hối lộ phải gấp bội, có thể 400 triệu đồng, 500 triệu đồng hay nhiều hơn nữa. Ðể làm một ông cảnh sát giao thông đứng đường giá bạc tỉ hay bao nhiêu? Làm sếp của những ông này từng được đề cập phải chạy hàng triệu đô la.
Tại sao lương chết đói mà người ta vẫn cố chen nhau vào? Cơ hội tham nhũng, ăn hối lộ sẽ không những giúp người ta thu hồi vốn mà còn trở nên giàu có. Ông tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng khi trả lời cử tri Hà Nội hôm đầu tháng từng nhìn nhận nếu trị tội tham nhũng tới nơi tới chốn thì “sinh thù oán.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm