Sẽ là Tây Tạng hay Duy Ngô Nhĩ thứ hai?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-01-09
Việt Nam không thể không quan tâm tới những động thái ngày càng rõ của chính phủ đối với vấn đề Trung Quốc khi sự xuất hiện của họ vừa chính thức tại Sài Gòn với tư cách khách quý, vừa tại Hoàng Sa với tư cách của người hàng xóm xấu tính.
Cách phát biểu của Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh
vài ngày trước đây cho thấy chính sách hòa hoãn một chiều bằng lập luận
hai nước cùng một hệ thống ý thức hệ và nhất là cùng chế độ độc đảng là
khó chấp nhận. Thế nhưng lập luận này được Bộ chính trị Trung ương Đảng
đồng tình qua thái độ im lặng tuyệt đối, không một lời bình luận.
Thái độ của nhà nước tuy rõ ràng như vậy nhưng dư luận
vẫn không có làn sóng công khai nào phản ứng ngoại trừ các bài viết vạch
ra những sai lầm và sự nguy hiểm của sự thỏa hiệp để tồn tại này. Đa số
những người trẻ có tấm lòng với thời cuộc chăm chú vào một biến cố khác
mà họ cảm thấy nhức nhối hơn đó là vụ xử 14 thanh niên công giáo và Tin
Lành tại thành phố Vinh vào ngày 8 tháng 1 với kết quả ai cũng biết là
nặng nề và khó thể chấp nhận.
Vụ xử này nhà nước đã làm lớn chuyện khi tập trung một
số lượng rất lớn công an, an ninh, dân phòng để uy hiếp những người tới
dự phiên tòa mặc dù tòa án tuyên bố đây là phiên xử công khai.
Nhiều người nghi ngờ rằng sức ép từ chính sách thỏa hiệp
đè lên dư luận được nhà nước hóa giải qua vụ xử án này để từ đó đánh
lạc hướng dư luận trong và ngoài nước truớc những động thái khác thường
trong vài ngày qua của chính quyền các cấp đối với vấn đề Trung Quốc.
Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, việc báo chí đưa
tin cải táng liệt sĩ Nguyễn Đình Chính đã bị nhiều người lên án vì thái
độ lệ thuộc quá đáng vào Trung Quốc khi không dám xử dụng từ ngữ chính
xác miêu tả hành vi xâm lược của họ. Chỉ duy nhất một tờ Thanh Niên là
dùng từ “quân xâm lược Trung Quốc” còn tất cả các tờ báo khác đều tránh
dùng từ này. Suy nghĩ mãi họ mới có từ mới “bọn côn đồ từ biên giới”.
Những món quà từ Bắc Kinh
Những tránh né này được Trung Quốc ban thưởng bằng một bài báo dài với đầy đủ những hình ảnh ngư thuyền Trung Quốc thoải mái khai thác tài nguyên biển của Việt Nam tại vùng mà họ gọi là Nam Sa, vốn là Hoàng Sa của Việt Nam do họ chiếm giữ.
Bài báo được trang blog Basàm dịch ra tiếng Việt từ
trang mạng tên junshi.xilu.com của Trung Quốc với cái tựa ấn tượng: “Báo
chí Việt Nam nói một lượng lớn tàu cá Trung Quốc xông vào Nam Hải, Quân
Việt Nam không hề dám ra tay!”
Người có lòng tự trọng khó đủ can đảm đọc hết bài báo
trong một lúc bởi nó quá bi thảm cho ngư dân Việt. Khi nhìn vào hình ảnh
của ngư dân Trung Quốc thỏa mãn với những vụ thu hoạch hải sản, song
song với lời bình xấc xược của phóng viên đi theo tàu làm phóng sự không
ai có thể tránh đuợc tiếng thở dài.
Người dân sôi sục, nhà nước im lặng. Và một lần nữa, để
ban thưởng cho sự im lặng đó tàu chiến hải quân Trung Quốc ghé thăm hữu
nghị Sài Gòn!
Ba chiếc tàu khổng lồ áp sát mạn sông Bạch Đằng trở nên
vô hình đối với những chiếc máy ảnh chuyên nghiệp của báo chí thành phố.
Người dân tò mò đi xem như xem pháo hoa và sự vô cảm hiện rõ trên từng
khuôn mặt của họ qua các tường thuật cay đắng của nhiều blogger trong
nước.
Loan tin này là BBC và Tân hoa xã.
Ba tàu Ích Dương, Thường Châu và Thiên Đảo Hồ vào
cảng Sài Gòn sáng thứ Hai 7/1, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị
kéo dài 5 ngày.
Theo Tân Hoa Xã, ba tàu nói trên là hai tuần dương
hạm có trang bị hỏa tiễn và một tàu tiếp liệu, đều thuộc
Đội tàu hộ tống số 12 của Hải quân Nhân dân Trung Quốc.
Trên ba tàu có thủy thủ đoàn gần 800 người do chỉ huy trưởng là Chuẩn Đô đốc Chu Hỏa Minh lãnh đạo.
Tân Hoa Xã cũng cho biết đại diện quân đội Việt Nam
và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp đón đoàn một
cách nồng ấm. Sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Lãnh sự quán
ở Sài Gòn và một số công ty, tổ chức Trung Quốc tại địa
phương cũng cử người tới tham dự lễ đón.
Nhận xét việc này ông Lê Hiếu Đằng nguyên phó chủ tịch MTTQ thành phố HCM cho biết:
Dù cho chính quyền không muốn có những thông tin
nhưng việc ba con tàu của Trung Quốc đến Sài Gòn trong thời đại bùng nổ
thông tin hiện nay thì không thể ngăn cản được. Chỉ đem lại hiệu quả rất
nguy hiểm ở chỗ khi người ta biết thì người ta thấy ra chính quềyn che
đậy những việc mà lẽ ra người dân phải biết. Như vậy nó sẽ làm cho lòng
căm phẫn và ý chí của dân càng mạnh mẽ hơn.
Người dân không còn tin tưởng truyền thông chính thức
của nhà nước nữa mà người ta dựa vào truyền thông hiện nay gọi là lề
trái. Bây giờ tỷ lệ sử dụng mạng rất đông, đặc biệt là học sinh sinh
viên. Qua trang mạng người ta sẽ thấy đâu là sự thật. Những việc đang
xảy ra nó đe dọa chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như thế nào.
Đánh ngoài biển, xoa trong bờ
Trong khi chính quyền thành phố Hồ Chí Minh hồ hởi đón
tiếp ba con tàu này thì ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT
tỉnh Quảng Ngãi cho biết, 20 tàu Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc ngăn không
cho vào trú, tránh bão ở đảo Bom Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa vào ngày 8
tháng 1 tức sau khi Thành phố Hồ Chí Minh đón tiếp ba chiến hạm Trung
Quốc một ngày với những cái ôm hôn hữu nghị.
Báo Tiền Phong Online dẫn lời ông Phan Huy Hoàng cho biết tổng cộng
20 tàu Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc ngăn vào trú, tránh bão ở đảo Bom
Bay, phải chấp nhận lênh đênh ngoài khơi trong điều kiện thời tiết xấu.
Theo báo Pháp Luật thành phố, chiều 7-1, tại Hội nghị
Quân chính năm 2013, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết
trong năm 2012 lực lượng biên phòng đã phát hiện 293 lượt tàu cá xâm
phạm vùng biển cách Đà Nẵng khoảng 20-45 hải lý. Các tàu này đi thành
từng tốp 4-10 chiếc, sử dụng tàu có công suất lớn đi trước hỗ trợ cho
tốp đi sau, tàu sắt lớn đi giữa làm nhiệm vụ bảo vệ. Các cụm tàu này
ngang nhiên tranh lấn ngư trường, xua đuổi tàu cá Việt Nam.
Người dân Quảng Ngãi có quyền đặt câu hỏi: thành phố Hồ
Chí Minh có còn là của Việt Nam nữa hay không khi tổ chức đón rước trọng
thể một nước đang có thái độ thù hằn nhân dân của mình đến độ phớt lờ
lòng nhân đạo mà thế giới tuân theo buộc phải cứu người lâm nạn trên
biển cả, bất kể họ là ai thuộc quốc tịch nào.
Ông Hạ Đình Nguyên, một khuôn mặt tranh đấu nổi tiếng trước năm 1975 cho biết:
Tôi nghĩ bây giờ chắc họ bị khống chế quá rồi, kiểu
này nó nắm chặt lắm không thoát được. Nó làm giống như mô hình Bắc Triều
Tiên vậy có khi còn tệ hơn nữa. Nó nguy hiểm ghê lắm. Họ đều là người
không có học thì làm sao yêu nước được, căn cơ là ở chỗ đó. Nó không yêu
nứơc, không lương tâm, không xấu hổ. Nắm chắc và nói tới sổ hưu thì
không còn lý luận gì nữa hết. Nước nào người lãnh đạo cũng đặt tổ quốc
lên trên còn họ thì đặt quyền lợi giai cấp lên trên thì làm sao?
Tê liệt phản ứng
Cũng như các lần trước thái độ của chính quyền và đa số báo chí lẫn truyền thông Việt Nam là hoàn toàn im lặng không bình luận một lời về thái độ vô nhân đạo này của Trung Quốc đối với Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa cho thấy đã mất quyền phát ngôn khi cái quyền này đã được trao lại cho Thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh.
Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh nhận xét:
Ông Nguyễn Chí Vịnh với tư cách Thứ truởng Bộ Quốc
phòng thì không thể nào nhân danh nhà nước Việt Nam để nói những việc
đó. Nói vấn đề hệ trọng quốc gia, quan hệ hai nước hay nói cái này cái
kia…tất cả những cái đó ổng không được phép nói. Nói như vậy là vượt
quyền, là lộng quyền. Điều này thì cấp cao phải trả lời cho dân chúng.
Nhiều người đã đặt vấn đề rồi.
Trước những cảnh báo về viễn cảnh Việt Nam sẽ trở thành
một tỉnh của Trung Quốc, trí thức trong nước đành giữ sự im lặng bởi lo
sợ bị đàn áp, trù dập hay thậm chí giam giữ. Chính quyền đã tỏ ra rất
cứng rắn trong việc giữ vững lập trường của mình, dù lập trường này sẽ
gây thiệt hại cho đất nước bất kể Việt Nam sẽ trở thành Tây Tạng hay Duy
Ngô Nhĩ thứ hai không còn xa vời như người ta nghĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm