Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Chạy xe ở Sài Gòn, coi chừng sập bẫy


Văn Lang/Người Việt

SÀI GÒN (NV) - Chạy xe ở Sài Gòn, dù là trên con đường quen thuộc hàng ngày vẫn có thể sụp hố “tử thần” như thường, vì hố này xuất hiện khi nào và vì sao thì rất “bất tử” và có hàng ngàn lý do, nhưng lý do quan trọng nhất là…không ai phải chịu trách nhiệm cả.
Khi mùa mưa đến thì ngoài hố tử thần, người đi đường còn có thể bị cây ngã đè hay hoặc là dây điện đứt máng vô người, nhẹ thì bị…treo cổ “tòn – ten” , nặng thì người bị “sấy”đen thùi lùi như cục than hầm, gia đình đỡ tốn tiền đưa đi lò thiêu Bình Hưng Hòa.
 
Một cảnh kẹt xe trên đường Nguyễn Kiệm, Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Năm nào khi mùa mưa đến thì cơ quan chức năng cũng có đang thông báo trên…TV, yêu cầu bà con trời mưa không nên ra đường, dĩ nhiên ai đi làm hay có công chuyện gấp không nghe lời thì…ráng mà chịu.

Chưa hết, trời không mưa, không bão, không ai đào đường hay xây “lô – cốt” gì hết, vậy mà người đi đường dù ban ngày mở căng trao tráo hai con mắt thì rồi vẫn cứ “sập bẫy” như thường. Đơn giản vì hệ thống giao thông chằng chịt ở Sài Gòn với hệ thống biển báo rất “mập mờ”, tuy không cố tình “đánh lận con đen” nhưng hệ thống biển báo không khoa học, sai quy cách biến đường phố thành “ma trận” với nhiều “chiếc bẫy” đặt trên đường, nên tài xế dù cẩn thận hay lão luyện cách mấy thì rồi cũng “sập bẫy” như thường.
Chưa kể mấy vụ hay đổi tên đường hoặc đường tuần trước còn là đường hai chiều, tuần sau đã biến thành đường một chiều, thế là mấy bác tài xế tỉnh ngoài (kể cả là dân thành phố) cũng chỉ còn biết…khóc ròng, vì chỉ xớ rớ một cái là bị phạt mà thường là phạt nặng.

Đơn cử một vài trường hợp, như lúc trước xe lưu thông từ phía đường Trương Định ra đường Phạm Hồng Thái (khu trước khách sạn New World) dù không phải là đường một chiều nên dĩ nhiên không có bảng cấm, nhưng xe qua đường dù rẽ phải hoặc rẽ trái gì cũng đều bị phạt, vì giữa đường kẻ một vạch liền (cấm rẽ).
Trên radio giao thông, một bác tài chia sẻ kinh nghiệm :”Đừng có nhìn bảng báo mà phải nhìn lằn kẻ dưới đường mà chạy!”. Tài xế khác nghe “dạy đời” vậy cười ngất:”Đường đông, cúi gằm xuống mà dò lằn kẻ, xe mà không “tông” người trên đường mới là “lọa” đó!”.

Sau cùng, nhờ báo chí ca thán trường hợp trên quá, người ta phải cho kẻ lại lằn đường phân cách đứt quãng (cho phép rẽ), xóa bớt một “cái bẫy” giao thông ở Sài Gòn.Nhưng Sài Gòn vẫn còn vô số bẫy giao thông.

Như khu vực trước cửa chợ Bà Chiểu, xe lưu thông từ hướng bệnh viện Ung bứu Gia Định xuống rẽ trái đều bị phạt, dù không hề thấy biển báo cấm rẽ.
Ngạc nhiên, chúng tôi đứng quan sát cả buổi ở đây cũng không hiểu tại sao, sau cùng phải hỏi thăm một bác tài xe ôm gần đó thì mới được bác chỉ cho tấm biển cấm rẽ nhỏ xíu nắm tuốt đằng xa rất khó thấy (trừ khi lưu thông ngược chiều mới có hy vọng thấy).Chúa ơi!“bẫy” kiểu này thì tài xế hai bánh, ba bánh, bốn bánh gì cũng đều đành 'bó tay'.

Khu ngã tư Nguyễn Lương Bằng giao với đại lộ Nguyễn Văn Linh trong Phú Mỹ Hưng, tại đây có hai cây cầu vượt cho xe hơi lưu thông, chủ yếu là xe tải và xe container, trước kia thì dùng chung cho cả xe hai bánh, sau này cấm xe hai bánh thì chỉ kẻ một tấm bảng nhỏ xíu nơi chân cấu, trong khi đường “cầu chui” thì lại nằm khuất nẻo khó nhận ra, chưa kể bảng cấm ban đêm lại không có đèn hiệu, do vậy trừ mấy bác “thổ địa” còn đa phần khách vãng lai từ hướng Đông qua hướng Nam đều “sập bẫy” hết.
 
Người và xe chen chúc nhau trên những dải phân cách rất nhỏ. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Chưa hết, ba làn đường ở giữa (cũng tại khu ngã tư trên) dành cho xe hơi, xe hai bánh bị đẩy sát vào bên phải (hướng từ Nguyễn Văn Linh ra khu chế xuất Tân Thuận), muốn rẽ trái xe hai bánh phải băng qua ba lằn xe hơi chạy tốc độ cao (vì xe nặng phải lấy trớn qua cầu vược cách chưa tới 25 mét).  Nên nhiều người dân “có hiểu biết” thường tranh thủ lúc đèn đỏ, xe tải, xe container ngừng thì họ vượt qua phía trái, khi đèn xanh họ dễ dàng rẽ trái một cách an toàn (không phải băng qua ba lằn xe với khoảng cách qua đường gần 100 mét).
Nhưng khi họ qua được bên kia đường chưa kịp vui vì “vượt cạn” an toàn thì mô-tô của CSGT đã đón đầu họ để phạt lỗi “lấn tuyến” đi vào lằn xe bốn bánh (lúc các xe này ngừng chờ đèn đỏ).Như vậy người “khôn ngoan” nên chuẩn bị tiền phạt khoảng 200 ngàn đồng, thay gì đem thân xác mình ra làm vật “đặt cược” trước ba làn xe tải nặng và container chạy tốc độ cao.

Tương tự, một ngã tư gần ngã tư trên (hướng qua Phú Mỹ), đường xe hơi nằm ở giữa, xe hai bánh nằm ngoài bìa, có lẽ để “chắc chắn” không cho xe hai bánh “láu cá” lấn tuyến mà rẽ trái như trường hợp trên, dải phân cách được làm bằng hàng rào thép đàng hoàng, nên muốn quẹo sớm cũng không được.
Cái “hay” của cái bẫy chết người này là khi đèn xanh trên bảng hiệu cho phép xe hai bánh rẽ trái, đồng thời tín hiệu cũng báo xanh cho phép lằn xe hơi ở giữa đi thẳng, như vậy đưa ra một “thách đố” là xe hai bánh muốn rẽ trái phải vượt qua ngay “đầu mũi” xe hơi đang chạy tốc độ cao.
Chưa hết thách đố, có lẽ sợ bọn hai bánh “giỡn ngươi” nên tăng độ khó bằng cách, cùng lúc cũng bật đèn hiệu xanh cho phép hai lằn xe phía đối diện được đi thắng. Như vậy, nếu xe hai bánh thoát khỏi “làn” đạn thứ nhất thì sẽ hứng ngay lằn đạn thứ hai và thứ ba.
Người “khôn ngoan” thấy đèn hiệu kiểu ngã tư này chỉ có nước là rẽ khi đèn đỏ (phạm luật) nhưng ít rủi ro hơn vì ba làn xe kia dừng trước đèn đỏ hơn là tuân thủ bảng tín hiệu giao thông kiểu “giết người” như trên.

Khu Cầu Nhị Thiên Đường, mặc dù phần cầu ở giữa dành cho xe bốn bánh, hai phần cầu nhỏ hai bên vẫn kẻ lằn ranh phân chia giữa xe hơi và xe hai bánh. Với một phần đường chút xíu phía trong, phần cầu từ hướng quận 5 qua bến xe quận 8 lại có mấy tiệm bán cá kiểng, người mua, thậm chí xe tải đậu chiếm phần đường xe hai bánh, nhưng mấy ông cảnh sát trật tự thay gì phạt xe tải đậu chiếm đường lại chờ canh phạt xe hai bánh lấn tuyến.

Nếu ai ở xa có dịp về Sài Gòn thấy chuyện mà lại hỏi :”Sao kỳ dzậy?”, thì sẽ thấy người dân che miệng cười mà rằng :”Biết rồi, khổ lắm, hỏi hoài?”.

1 nhận xét:

  1. Mình thấy việc hạn chế tốc độ ở trên các quốc lộ liên tình cũng khá bức xúc cho người điều khiển các loại phương tiện,khi bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để mở rộng đường cho thông thoáng nhưng cứ chạy được một đoạn thì lại thấy biển cấm hạn chế tốc độ 40Km-50Km mà cứ liên tục vậy. Một quãng đường dài 130Km từ Sài gòn đến Vũng tàu mà phải mất 3 giờ để đến nơi thì phải nói là quá lãng phí quỹ thời gian và tiền bạc của toàn bộ con người đang có mặt trên tuyến đường,thời giờ ai cũng biết là tiền bạc chỉ vì vài con người vô ý cẩu thả mà gây tai nạn mà phải hạn chế tốc độ của tất cả mọi người thì nên xem lại,nhiều khi chạy trên Quốc lộ giữa lúc trời nắng nóng với tốc độ 40Km cho xe Môtô mình cảm thấy như người điên nếu như phải chạy xe tuân thủ đúng luật,mặc dù đi qua những khu vực có biển báo vào khu dân cư nhưng không phải thời điểm nào cũng đông,hạn chế tốc độ không hợp lý làm cuộc sống tất cả con người của cả nước chậm lại,đành rằng chạy xe chậm mà chắc nhưng nếu chậm quá thay vì tới nơi sớm dù chỉ 1 giờ thì cũng đã giải quyết được một số việc sinh lợi,thời gian là tiền bạc,ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông trên đường và sự nhắc nhở cảnh báo người điều khiển phương tiện rõ ràng là 2 phạm trù khác nhau,mọi vi phạm đã có luật thì không lý do gì mà vì số ít người kém ý thức điều khiển phương tiện vi phạm mà làm ảnh hưởng đến tất cả mọi người trên đường,mình không đồng tình với qui định hạn chế tốc độ quá thấp gây lãng phí quỹ thời gian của cả nước như hiện nay,nó chỉ nói lên sự né tránh trách nhiệm và đạt yêu cầu nhẹ lo về mặt giải quyết hậu quả mang tính hình thức của các ban ngành có liên quan chứ thực sự cũng không hạn chế được tỷ lệ tai nạn ngày càng xảy ra càng nhiều và số thương vong khủng khiếp như hiện nay.Nói tóm lại hạn chế tốc độ thì đương nhiên phải có nhưng phải tính toán hạn chế thế nào cho hợp lý,để không trở thành cái bẫy cho người điều khiển phương tiện cả nước và dễ tạo sơ hở tiêu cực cho người thừa hành giám sát luật giao thông.Ngay từ bây giờ hãy đầu tư và tích cực đưa luật giao thông vào giáo dục để thế hệ sau mọi người có ý thức tốt hơn,như thế gia đình và xã hội đỡ phải lo lắng.Xin có ý kiến vậy.

    Trả lờiXóa

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm