Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

3dũng có 3 giải pháp bảo vệ biển VN kìa bà con ơi

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố các giải pháp bảo vệ chủ quyền

RFA 29.05.2014
Chinh-phu-hop-1_29514-305.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ hôm 29/5/2014.
Courtesy chinhphu.vn


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm nay tham gia phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ, và nêu ra 3 nhóm giải pháp bảo vệ chủ quyền đất nước.
Nhóm giải pháp thứ nhất được nêu ra là các tàu chấp pháp của Việt Nam phải luôn có mặt tại vị trí mới để cản phá và đuổi tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Về mặt ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam tiếp tục kiên trì và đấu tranh đến cấp cao nhất, nói rõ hành động sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu họ rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Giải pháp thứ ba được người đứng đầu chính phủ Việt Nam nêu ra là đấu tranh bằng con đường dư luận. Theo đó các cơ quan chức năng phải cung cấp đầy đủ, trung thực, khách quan các hành động sai trái của Trung Quốc cho cộng đồng quốc tế.

Sẽ có va chạm

Thủ tướng Việt Nam cho biết trong gần một tháng qua, Việt Nam đã tiến hành hơn 30 cuộc giao tiếp với đại diện Trung Quốc, yêu cầu họ rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Cũng trong thời gian qua có hơn 30 tàu của các lực lượng chấp pháp của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm va, gây hỏng hóc.
Cũng trong cuộc họp báo này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra dự báo là sẽ có va chạm với Trung Quốc, nhưng phía Việt Nam kiên quyết và cố gắng kiềm chế.





Video: Trung Quốc sắp làm gì? Đối sách của Việt Nam ra sao?

Sau khi nêu ra ba nhóm biện pháp bảo vệ chủ quyền và tình hình thực tế xảy ra tại Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn nói Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác, hữu nghị trên các lĩnh vực với Trung Quốc. Ông nói rằng đấu tranh vì chủ quyền vẫn phải tiếp tục, nhưng làm ăn thì vẫn bình thường.

Phản đối tại diễn đàn LHQ

Cũng tin liên quan, tại Hội nghị lần thứ 15 tiến trình tư vấn của Liên Hiệp Quốc về đại dương và Luật Biển từ ngày 27 đến 30 tháng 5 này, đoàn Việt Nam tham dự hội nghị cũng đã có bài phát biểu phản đối những hành động bất hợp pháp của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.
Theo phía Việt Nam thì những các hành động căng thẳng gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ngư nghiệp chính đáng của ngư dân Việt Nam.


........................................................


Trông đợi gì ở Thủ tướng về vấn đề biển Đông?

Hòa Ái, phóng viên RFA 2014-05-28

000_Del6318771-600.jpg
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (giữa) đến sân bay quốc tế tại thủ đô của Naypyidaw, Myanmar để tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN 24 vào ngày 10/5/2014 trong tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.
AFP photo


Trước tình hình căng thẳng ở biển Đông giữa VN và Trung Quốc, một trong những lãnh đạo của chính quyền Hà Nội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đưa ra một số tuyên bố được cho là cứng rắn.
Người dân mong đợi gì?
Động thái đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong quốc nội về vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan khổng lồ HD 981 thuộc chủ quyền lãnh hải của VN là gửi tin nhắn đến hàng triệu máy điện thoại với thông điệp chỉ thị mọi người dân đề cao tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc bằng những việc làm đúng luật pháp, không để bị lợi dụng, bị kích động gây tổn hại đến lợi ích và hình ảnh của quốc gia.
Việc làm này của Thủ tướng được đánh giá là để “an dân” sau các cuộc bạo động do công nhân gây ra ở Bình Dương và Hà Tĩnh trong 2 ngày 13 và 14 tháng 5. Trong khi đó, những người nhận được tin nhắn từ Thủ tướng Chính phủ có cảm nhận ra sao? Chị Sol chia sẻ cảm nghĩ của mình với đài ACTD rằng trong lúc đất nước lâm cảnh nguy nan vì sự bành trướng của Bắc Kinh, điều chị trông đợi ở một vị nguyên thủ quốc gia không phải là tin nhắn. Chị Sol nói:
“Thấy tức cười. Lúc cần lãnh đạo có tiếng nói mạnh mẽ trước thế giới, trước toàn dân thì chẳng nghe tiếng nào hết. Tự nhiên lại làm chuyện ruồi bu, nhắn tin”.
Nhiều người dân giống như chị Sol đều bày tỏ muốn những người lãnh đạo hàng đầu VN, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cần có tiếng nói mạnh mẽ, có quyết định chính chắn để đất nước thoát khỏi tình trạng xung đột hiện nay với Trung Quốc. Không cần nhắn tin nhưng cần có động thái tích cực hơn.
Thấy tức cười. Lúc cần lãnh đạo có tiếng nói mạnh mẽ trước thế giới, trước toàn dân thì chẳng nghe tiếng nào hết. Tự nhiên lại làm chuyện ruồi bu, nhắn tin.
- Chị Sol
Hiệu quả của việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắn tin 2 lần để kêu gọi người dân bình tĩnh trong tình hình căng thẳng ở biển Đông không được phản ánh một cách chính thức trên báo, đài ở trong nước. Tuy nhiên, lời phát biểu của Thủ tướng VN trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines hôm 22/5 được người dân hân hoan đón nhận và ủng hộ qua hệ thống truyền thông chính thống và trên các trang mạng xã hội. Trả lời câu hỏi các hãng thông tấn AP và Reuters liệu VN có nộp đơn kiện Trung Quốc theo cơ chế của luật pháp quốc tế hay giải quyết căng thẳng bằng biện pháp quân sự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định VN luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nhất định không đánh đổi điều thiêng liêng này để lấy một thứ hòa bình viễn vông, lệ thuộc nào.
Đây là lời tuyên bố được cho là hay nhất và hợp lòng dân nhất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kể từ khi nhậm chức người đứng đầu Chính phủ VN. Nhiều người cho rằng lời phát biểu của Thủ tướng đã thể hiện ý chí cho toàn dân tộc, luôn muốn có hòa bình nhưng không được phép đánh đổi bằng bất cứ thứ gì của ông cha để lại. Anh Sơn cho biết quan điểm của mình sau khi đọc tin tức về lời phát biểu của Thủ tướng tại Philippines:
“Quan điểm của Sơn trước những tuyên bố gọi là cứng rắn nhất từ trước tới giờ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với Trung Quốc thì rất vui vẻ và tán đồng ý kiến của ông. Đây là hành động trong lúc khó khăn ông muốn tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên những tuyên bố bây giờ của ông có muộn quá hay không khi mà từ trước đến đến giờ Chính phủ VN-Nhà nước VN-Đảng Cộng Sản VN luôn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc?”
Liệu có muộn màng?
Anh Sơn và nhiều người dân khác đưa ra các bằng chứng thực tế như trong thời gian qua khi có những mâu thuẩn tranh chấp trên biển Đông giữa VN và Trung Quốc xảy ra thì Đảng CSVN và Chính phủ VN luôn đàn áp các cuộc biểu tình, bắt bớ những tiếng nói của người dân phản đối Trung Quốc khiến cho lòng dân rất bất mãn. Mới đây nhất, 2 ngày trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lời tuyên bố khẳng khái không đánh đổi chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ để lấy một thứ hòa bình viễn vông lệ thuộc, Chủ tịch Quốc hội VN Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội VN tại Hà Nội rằng VN kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia nhưng vẫn kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa 2 nước Việt Nam-Trung Quốc càng khiến cho người dân hoang mang.
Tuy nhiên những tuyên bố bây giờ của ông có muộn quá hay không khi mà từ trước đến đến giờ Chính phủ VN-Nhà nước VN-Đảng Cộng Sản VN luôn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc?
- Anh Sơn
Câu hỏi người dân đặt ra liệu rằng trong tình thế căng thẳng ở biển Đông, nguy cơ chiến tranh Việt-Trung xảy ra thì Đảng CSVN, Chính phủ và Nhà nước VN sẽ làm gì để cứu vãn tình thế? Có phải lời tuyên bố của người đứng đầu Chính phủ VN là một tín hiệu lạc quan hay không? Là một người dân, qua làn sóng phát thanh, anh Sơn gửi đến Thủ tướng VN ý nguyện của nhiều người:
“Những gì ông Thủ tướng nói được là ông phải làm được. Và đặc biệt trong lúc này ông phải làm việc gì đó tác động đến Đảng và Nhà nước VN, chính quyền CSVN đưa ra làm thế nào để quyết định một là chọn lựa Đảng, giữ quyền lợi của Đảng; hoặc hai là vì quyền lợi của người dân, bảo vệ đất nước chống Trung Quốc”.
Tại biển Đông vào hôm 27/5, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan HD 981 cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc. Đồng thời, Cảnh sát biển VN và Tập đoàn Dầu khí VN cho biết thông tin có dấu hiệu mũi khoan đã cắm xuống biển. Bên cạnh đó, từ ngày 18 đến ngày 26/5, 2 ngư dân ở Quảng Ngãi bị lực lượng kiểm ngư Trung Quốc đánh trọng thương ở khu vực biển Hoàng Sa, 1 tàu cá ở Lý Sơn bị tàu “lạ” đâm chìm ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ thuộc Hải Phòng, làm 2 ngư dân chết và mất tích và 1 tàu cá ở Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm tại vùng biển Hoàng Sa.
Qua những diễn tiến liên tiếp vừa nêu, những người dân đài ACTD tiếp xúc đang nôn nóng trông đợi hành động quyết đoán của người đứng đầu chính phủ VN để chứng minh rằng lời tuyên bố của Thủ tướng không phải là lời nói suông.

++++++++++++++++++++

Hồi mã thương của phe Tàu

Cánh Cò, viết từ Việt Nam 2014-05-29

000_Hkg9841578-305.jpg
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á ở Manila, Philippines vào ngày 22 tháng 5 năm 2014.
AFP PHOTO / NOEL Celis
"Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
Câu trả lời cho Reuters của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Philippines nhanh chóng tràn ngập mọi phương tiện truyền thông cả trong lẫn ngoài nước. Người ta vỗ tay, bàn tán, tranh luận và cũng không ít nghi ngờ. Vỗ tay vì tuyên bố này đã trực tiếp tẩy chay những gì mà Hà Nội và Bắc Kinh đã toa rập với nhau trong Hội nghị Thành Đô để hậu quả kéo dài cho tới ngày nay. Vỗ tay vì tại diễn đàn quốc tế một người đại diện quốc gia này nói về quốc gia khác là chính thức và không thể thay đổi, cho dù người đó là cộng sản hay phát xít.
Vỗ tay còn đến từ một nguyên nhân khác âm ỉ và mạnh mẽ vẫn trôi trong huyết quản của người dân Việt có học lịch sử từ hàng ngàn năm qua: ước vọng thoát Hán.
Tiếc một điều sau những tràng vỗ tay không ngớt ấy thì sân khấu chính trị Việt Nam lại chuyển sang một màn khác mà báo chí và những ai tinh tế nhất cũng khó đoán trước: đó là bạo động chống Trung Quốc tại Bình Dương và Vũng Áng.

Vì sao công an im lặng?

Người dân Kỳ Anh Vũng Áng có thể bạo động vì sống gần với công nhân Trung Quốc và thái độ quá đáng của những người này, cộng với áp bức của chính quyển đối với lợi ích của người địa phương đã nung nấu sự hiềm khích lên thành thù hận. Hai người Trung Quốc bị đánh chết là kết quả của một chính sách quỵ lụy để kiếm đầu tư bất kể nó để lại hậu quả như thế nào.
Nhưng ở Bình Dương thì lại khác. Đa số công nhân đến đây làm việc đều hiền lành và không hể có bức xúc nặng nề nào đối với các công ty do Trung Quốc làm chủ. Dĩ nhiên giai cấp công nhân và chủ là hai thế lực luôn xung đột với nhau, nếu nhẹ hai bên tiếp tục thỏa hiệp để kiếm miếng ăn, còn nặng hơn sẽ có đình công phản đối. Với Bình Dương và Đồng Nai chưa có một ghi nhận nào cho thấy mức căng thẳng do tranh chấp giữa công nhân và chủ có thể dẫn tới hành vi nổi loạn.
Qua điều tra xác minh công an Đồng Nai và Bình Dương cho biết công nhân các khu công nghiệp không tự họ nổi dậy mà có sự giật dây của một nhóm người. Dáng dấp và cách hành xử của chúng rõ ràng là côn đồ và hầu hết đều là người Thanh Hóa, Nghệ An hay Hà Tĩnh.
Mà ai cũng biết, hầu như côn đồ luôn được sự giám sát và chỉ đạo ngầm của công an.

Công nhân đã làm chứng và họ đặt câu hỏi tại sao sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng công an im lặng. Các lực lượng vũ trang khác cũng im lặng, thậm chí công an còn chạy theo đám ô hợp ấy chỉ để nhìn mà không có một thái độ nào.
Đám đông gần một ngàn người bị bắt, bị truy tố về nhiều tội và bọn cầm đầu dần dần lộ diện. Tuy nhiên tin từ công an đưa ra làm cho người dân hụt hẫng: kẻ cầm đầu tổ chức bạo loạn là ba thành viên của đảng Việt Tân!
Kết quả đầy bất ngờ này làm cho tuyên bố của Thủ tướng trở nên mất giá trị hay ít ra mất sức mạnh trước lòng tin của nhân dân. Đúng ra người ta lo ngại cho sự an nguy của ông vì sẽ gặp cú hồi mã thương nổi tiêng của người Tàu, hay đúng ra là bọn thân Tàu, lấy sự việc Bình Dương dập tắt chút hy vọng vừa le lói.
bieu-tinh-250
Công an, an ninh bắt người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 18 tháng 5 năm 2014.
Nếu nói bọn giật dây nổi loạn là do tình báo Hoa Nam làm thì người ta có thể tin: Trung Quốc muốn kích động hận thù trong nội bộ người Việt và Hoa để có cớ mang người của họ về và phát động cuộc chiến tranh bảo vệ kiều dân của họ.
Nếu đặt giả thiết côn đồ do công an ra lệnh thì cũng không ít người sẽ tin, bởi sự thật rành rành trước mắt là như vậy. Công an được người dân tin rằng đang được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Thủ tướng và việc làm này có thể giải thích: Do hưng phấn trước phát biểu của Thủ tướng tại ASEAN vào ngày 11 tháng 5, hai ngày sau 13 tháng 5 nhân viên an ninh tự tiện làm việc này như một cách đẩy tuyên bố của ông đi xa hơn, nhưng do đẩy quá đà thành ra hố nặng.
Và kết quả từ cán bộ điều tra cáo buộc Việt Tân là thủ phạm có tác dụng thế nào, ai đứng sau kết quả này là vấn đề đáng phải đặt ra.
Thứ nhất: mang Việt Tân như một chủ thể hoàn toàn không có khả năng tác động tới tình hình Việt Nam vào lúc này để ấn vào tay họ ngọn cờ đen của cướp biển là một việc làm dại dột. Không ai tin được sức mạnh của Việt Tân lại gây được biến động to lớn như vậy và lại càng khó tin hơn khi con số ba người với vài ngàn đô la trả cho người biểu tình lại có thể kéo hàng chục ngàn người ra ngoài tầm đối phó của công an Bình Dương và Đồng Nai.
Kết tội Việt Tân là hành động của phe Tàu, vốn đang tơi tả vì lá bài thoát Hán của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Họ là ai?

Là những tờ báo mà biến cố giàn khoan ở biển Đông không nằm trên trang nhất. Họ là những quan chức lên tiếng chống Tàu nhưng phía sau là những câu thòng đầy phản trắc. Họ là kẻ đứng giữa hội trường Quốc hội chống lại Luật biểu tình vì sợ nó sẽ là những Bình Dương, Vũng Áng thứ hai. Họ là những tập đoàn gắn liền với các dự án có yếu tố Trung Quốc và vì vậy chống Trung Quốc là chống lại nồi cơm của họ. Họ là sĩ quan cao cấp trong quân đội đã quá lâu chỉ biết chiến đấu trên mặt trận kinh tế bây giờ sắp phải ra chiến trường thật bỗng run tay, khuỵu gối. Họ là những quân sư, những trợ lý, những cán bộ cao cấp nói tiếng Hoa thông thạo, đi Bắc Kinh nhiều hơn đi chợ và phần vụ duy nhất của họ là làm sao nâng tình hữu nghị hai nước lên tầm cao mới.
Trong tất cả những mầm mống phe Tàu ấy ai là người đem Việt Tân ra làm vật tế thần?

Tại sao họ làm như vậy?

Phe Tàu đã thấm thía sự nguy hiểm nếu Việt Nam tiếp tục theo con đường của ông Nguyễn Tấn Dũng vừa tuyên bố. Ông Dũng không thể rút lại lời nói nếu ai đó tiếp tục hàn gắn vết thương hữu nghị này bằng một miếng mồi hữu nghị khác. Đặt Việt Tân vào tầm ngắm của dư luận người ta sẽ quên đi mức ảnh hưởng của câu nói thoát Hán và nâng sự nghi ngờ rằng chính ông Dũng đã ra lệnh cho công an thi hành vụ bạo loạn nhằm tạo một hình ảnh không đẹp đẽ gì của một ông Thủ tướng chống Tàu.
Phe Tàu đã và đang âm thầm hạ nhục hình ảnh công an khi liên tiếp đánh đập, giam giữ những người bất đồng chính kiến trong mấy ngày qua. Chị Trần Thị Nga bị đánh gãy tay, vỡ đầu gối phải chịu phẩu thuật, ít nhất hai người khác bị giam vào ngày hôm qua chưa kể hàng chục người bị bắt trước đó đã làm không ít người hỏi lại chính mình liệu tuyên bố thoát Hán có là sự thật?
Những câu hỏi này phải được chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm rõ vì đối với Trung Quốc ông đã xác định rằng: “Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói".
Người dân rất lo nếu ông không buộc thuộc hạ chứng minh sự phá hoại của đảng Việt Tân một cách công khai, hợp lý và thuyết phục dư luận, cũng như tại sao lại đánh đập tàn nhẫn, nhốt người vô cớ thì câu nói trên sẽ vận vào ông như một bi kịch.
Bi kịch này không chỉ một mình ông lãnh nhận mà còn đổ lên đầu của hàng chục triệu con người trót đặt niền tin vào tuyên bố thoát Hán của ông.
Cánh Cò, Việt Nam 28/05/2014
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm