Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Bọ Lập Quê Choa vài tin liên quan ....

Công an bắt giữ Nhà văn Blogger Nguyễn Quang Lập

RFA 06.12.2014
nguyen-quang-lap-622.jpg
Nhà văn Blogger Nguyễn Quang Lập.
File photo
Nhà văn cũng là Blogger Nguyễn Quang Lập người điều hành Blog Quê Choa nổi tiếng đã bị Công An TP.HCM bắt giữ chiều nay 6/12/2014.  Hãng tin AFP đưa tin này nhấn mạnh đây là Blogger thứ nhì bị bắt giữ trong vòng hai tuần qua.
Đông đảo công an đã khám xét nhà riêng của ông Nguyễn Quang Lập trong vài giờ và sau đó áp giải ông đi. AFP trích lời bà Hồ Thị Hồng vợ ông Nguyễn Quang Lập cho biết Công an cáo buộc chồng bà đưa các bài viết chống Đảng và Nhà nước lên mạng.
Nhà văn Blogger Nguyễn Quang Lập, 58 tuổi  là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam, blog Quê Choa có số lượng hàng triệu người truy cập, còn trang facebook cá nhân của ông có 15.000 người chia sẻ. Một ngày trước khi nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt, bạn đọc đã không thể truy cập blog Quê Choa.

Trên Blog Quê Choa, Nhà văn Nguyễn Quang Lập có những bài viết của ông và những bài của các blogger khác. Đề tài các bài viết vạch trần các vấn nạn trong đời sống chính trị xã hội của Việt Nam. Nhiều bài trên blog Quê Choa cũng phản ánh quan điểm chống lệ thuộc Trung Quốc của đại đa số nhân sĩ trí thức Việt Nam.
Hồi thứ bảy tuần trước, Công an TP.HCM cũng đã bắt giữ Blogger Hồng Lê Thọ 65 tuổi một Việt kiều hồi hương cũng với cáo buộc phát tán bài viết chống Đảng và nhà nước. Theo Tổ chức Phong viên không biên giới, Chính quyền Việt Nam đang giam giữ ít nhất 34 blogger.

**************************

Nguyễn Quang Lập: Một khí phách lớn

Lê Diễn Đức 2014-12-08
Nhà văn Nguyễn Quang Lập (blogger Quê Choa)
Nhà văn Nguyễn Quang Lập (blogger Quê Choa)
Files photos
Có những nhà văn, nhà báo trong chế độ cộng sản Việt Nam muốn hệ thống chính trị thay đổi theo hướng dân chủ hoá để xã hội Việt Nam tử tế hơn, giảm bớt bất công và tệ nạn tham nhũng, cựa quyền làm mục rữa bộ máy nhà nước và uy tín lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).
Những người này không thuộc giới đối lập, bất đồng chính kiến, cũng không đứng trong hội đoàn hay nhóm tranh đấu nào.
Họ đưa ra những cảm xúc, nhận định mang tính phản biện về các sự kiện xảy ra để dư luận có cái nhìn đúng mực. Họ không có tư tưởng chống đối nhà nước xã hội chủ nghĩa, bởi vì bản thân họ có những liên hệ mật thiết, một quá trình phục vụ, thậm chí là những người lính đã cầm súng bảo vệ chế độ. Nếu ý tưởng của họ muốn"dùng cán bút làm đòn xoay chế độ", thì cái sự "xoay" này cũng chỉ là mong ước một sự chuyển đổi chủ trương, chính sách tích cực của ĐCSVN.
Lực lượng này khá đông, chúng ta có thể kể đến môt số người nổi bật, như nhà báo Trương Duy Nhất, nhà văn Phạm Viết Đào,  nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện (blogger Chú Tễu), nhà báo Phạm Chí Dũng, nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (tức blogger Anh Ba Sàm), giáo sư Hồng Lê Thọ (tức blogger Người Lót gạch) và nhà văn Nguyễn Quang Lập (blogger Quê Choa), v.v...
Nhà văn Phạm Viết Đào vừa mới ra tù, nhà báo Trương Duy Nhất đang thụ án tù hai năm, nhà báo Nguyễn Hữu Vinh đã có cáo trạng và chờ ngày xét xử, giáo sư Hồng Lê Thọ vừa mới bắt 10 ngày nay và và nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt ngày 6 tháng 12 năm 2014. Tất cả đều bị cáo buộc vi phạm điều 258 Bộ Luật Hình Sự, tức là "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
Những người nói trên đây khi đặt bút viết đã thiết lập cho mình một hành lang an toàn, không hẳn vì họ sợ hãi, mà vì sự tồn tại.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập (Bọ Lập) viết:
"Bọ Lập không có khả năng và trình độ để khai dân trí, chấn dân khí nhưng lại có khả năng dùng blog Quê Choa làm con thuyền chuyên chở SỰ THẬT đến với dân. Làm anh nhà văn luôn mồm nói về nhân nghĩa, về cái tâm, về sống vì dân viết vì dân vân vân và vân vân… vô lẽ lại đắp tai cài trốc trước lời kêu gọi khẩn thiết của tiền nhân? Thế thì hèn quá! Thế thì thà vứt bút đi về nhà ôm đít vợ còn hơn suốt ngày ngửa mặt ngóng chờ giải thưởng nọ danh hiệu kia, không thèm biết đến dân tình khốn nạn thế nào, đất nước điêu đứng ra sao. Sống thế khác gì an phận làm con chó giữ nhà cho chủ, mong chờ chủ xón ra giải thưởng nọ danh hiệu kia để vui sướng vẫy đuôi liếm láp?
Bọ Lập từ trước đến nay không theo ai không chống ai, và sẽ không theo ai không chống ai, vì đó không phải việc của nhà văn. Trước sau bọ Lập xin làm một người lái đò nhỏ chở con thuyền SỰ THẬT đến với dân, chỉ vậy thôi, không có gì khác.
Nhân đây cũng xin báo: Bọ Lập xin rút tên mọi hội hè đoàn thể mà bọ đã có tên trước đến nay, từ Hội nhà văn đến Văn đoàn độc lập, từ Hội sân khấu đến Hội điện ảnh v.v. Bọ Lập không thích và chả phục Cao Hành Kiện nhưng rất mê câu nói này của ông: Sáng tạo văn học là một hoạt động đơn độc mà không một phong trào nào, một phe nhóm nào có thể giúp được, ngược lại nó rất dễ bị những thứ đó giết chết. Chỉ khi nhà văn là một cá nhân biệt lập, không thuộc về một phe nhóm, trào lưu chính trị nào thì hắn mới có được tự do hoàn toàn".
Nhưng cái ranh giới an toàn mà nhà văn Nguyễn Quang Lập đặt ra quá mong manh truớc một mục tiêu lớn là chuyên chở sự thật đên với nhân dân, trong khi chế độ cộng sản được xây dựng trên bạo lực và dối trá. Chỉ chuyển tải sự thật thôi cũng đã đi ngược lợi ích sống còn của nó.
Blog Quê Choa đã đạt tới hơn 100 triệu lượt bạn đọc truy cập, con số khá ấn tượng và dĩ nhiên gây khó chịu cho nhà cầm quyền. Chỉ cần một sự thật được chuyển tới nhiều triệu bạn đọc sẽ có khả năng lột trần sự dối trá của bộ máy tuyên truyền của chế độ ở quy mô rộng. Nó có sức công phá khó lường. Trong màn đêm bưng bít, nhồi sọ của nhà cầm quyền, nói thật cũng chính là thắp lên một ngọn đèn, là "khai dân trí, chấn dân khí", một yếu tố quan trọng của tiến trình dân chủ.
Chính ông cũng hiểu được điều này và đã nhận định rằng, "Muốn khai dân trí, chấn dân khí trước tiên và trên hết phải cho dân biết SỰ THẬT. Chỉ có cách đó, không có cách nào khác".
Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã từng tham gia quân đội từ 1980 - 1985, sau khi rời quân ngũ ông có thời gian làm báo. Ông là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.
Ông là nhà văn có tài, là cây bút biên kịch nổi tiếng trong giới điện ảnh, cộng thêm kinh nghiệm báo chí, viết Blog, ông thực sự là tham gia vào mặt trận truyền thông của xã hội. Mặc dù sau tai nạn giao thông, sức khoẻ có hạn, nhưng ông viết rất khoẻ, dường như blog Quê Choa cập nhật liên tục mọi vấn đề thời sự nóng bỏng đang diễn ra ở Việt Nam và đôi khi cả của thế giới. Có nhiều bài của do nhà văn viết với ngôn ngữ bình dân, hài hước mà thuyết phục, nhưng cũng nhiều bài ông đăng lại lấy từ các nguồn khác, kể cả các bài lấy từ báo chí của nhà nước, tạo ra một dòng thông tin đa chiều. Nội dung các bài hầu hết chừng mực, ôn hoà, nếu không nói là có tính xây dựng.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét:
"Bọ đau đáu với nổi đau của người dân đang đứng trước họa xâm lăng phương Bắc, Bọ đau với nổi đau người dân oan mất đất, người dân bị xử oan sai. Bọ căm phẫn trước nạn tham ô nhũng nhiễu gây tổn hại cho đất nước. Những lần ngồi với chúng tôi Bọ nói tại sao đất nước chúng ta đủ các điều kiện để nhanh chóng vươn lên giàu mạnh mà lại cứ lẹt đẹt thua kém thiên hạ như thế này. Bọ rất hy vọng vào chuyện các lãnh đạo sẽ sớm giác ngộ, hy sinh lợi ích riêng, lợi ích bè nhóm để thay đổi chính sách đưa đất nước đi lên cho nhân dân bớt lầm than".
Tôi ngỡ ngàng và ngạc nhiên khi biết tin ông Nguyễn Quang Lập bị bắt. Một người có cái tâm của một người tử tế, đàng hoàng và nỗi day dứt trước xã hội đầy rẫy bất công, tham nhũng, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, như ông - thật đáng quý giữa một rừng bút nô của chế độ. Ông đã làm theo tiếng gọi trách nhiệm của một trí thức có lương tri.
Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã nhầm. Không có hành lang nào tuyệt đối an toàn cả. Chế độ cộng sản không có khả năng nhìn nhận sự thật để phục thiện, thay đổi, mọi thứ có vẻ như được thả lỏng chỉ là mị dân, lừa bịp dư luận.
Bất kỳ một yếu tố nào mà chế độ thấy rằng có thể gây ảnh hưởng lớn lên ý thức chính trị khác luồng tuyên truyền đối với xã hội đều bị tiêu diệt. Huống hồ là ông, với hàng triệu người mến mộ! Cho dù ông là đứa con đẻ của chế độ, một cây bút tài năng, đã đóng góp không nhỏ cho nền văn hoá, nghệ thuật của đất nước. Bắt ông, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thể hiện sự hung hăng, rối trí, hèn nhát và bạc bẽo.
Dù sao ông cũng đã rất can đảm, ý thức trước hậu quả việc làm của mình, khi ông nói vợ lúc công an đưa ra khỏi nhà "Em yên tâm, nếu 9 ngày anh không về thì khoảng 3 năm". Đúng là một khí phách lớn!
© Lê Diễn Đức
Nội dung bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

***********************************

Cây gậy của Bọ Lập

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn 2014-12-08
Nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa
Nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa
Files photos
Trong buổi tối ngày 6-12, khi ngồi ngẫm nghĩ về Bọ Lập, điều tôi thắc mắc là người ta có cho ông mang theo cây gậy của mình hay không. Đơn giản vì đôi chân của ông đã rất yếu, Ngay cả khi có cây gậy kề bên, cũng ít khi nào người nhà để ông đi một mình.
Bọ Lập, tức nhà văn Nguyễn Quang Lập, một trong những nhà văn hiếm hoi của "bên thắng cuộc" mà tôi giữ quan hệ với tình thương mến như đối với một nhân sĩ. Ngoài việc viết xuống, có lẽ chất giang hồ trong con người Bọ Lập còn khiến cho công việc quan sát cuộc sống của ông trở nên tự do, đa chiều hơn, chia sẻ hơn.
Tôi nhớ đến cây gậy của ông, với dáng đi khập khiễng và nụ cười đầy sảng khoái. Những ngày tháng cuối cùng mà người Việt còn vượt thoát được những hàng rào công an chằng chịt để xuống đường chống Trung Quốc đưa giàn khoan xâm lấn trên biển, Bọ Lập hăm hở đi từ nhà ở Thảo Điền đến trung tâm Sài Gòn rất sớm. Đoàn người sải bước quá, bỏ quên lão già ở sau. Thậm chí bạn bè cũng không ai đợi. Cuối buổi, Bọ Lập chống gậy khập khiễng đi về một mình, vừa cười ha hả, vừa mắng "mấy thằng không ra gì, ỷ chân khoẻ đi nhanh, bỏ tau ở lại một mình".
Những người biết Bọ Lập, ai cũng nhớ rằng các rắc rối đến với ông rất sớm, từ đầu thập niên 2000, chẳng hạn như từ kịch bản phim "Không có Eva". Hội đồng duyệt do bà Nguyễn Thị Hồng Ngát chủ trì đã phê không duyệt cho kịch bản này được dựng thành phim vì cho rằng tác giả đã mô tả một khung cảnh đời quá u tối và bi quan. Chuyện kể này nhằm để làm rõ lời bàn tán của rất nhiều người rằng Bọ Lập khôn ngoan, gần đây chọn một phương thức phản kháng để "hợp thời".
Khi tôi viết những dòng này, Bọ Lập với căn bệnh tiểu đường có thể đang nằm đâu đó trong phòng tạm giam, lạnh lẽo và không thể tiện nghi như ở nhà của ông. Tôi từng chăm sóc mẹ mình nhiều ngày. Bà bị bệnh tiểu đường nặng và chân rất yếu. Ngay cả khi chống gậy vẫn phải có người trông. Ở trong phòng tạm giam đó, tôi ngẫm nghĩ, giống như mẹ tôi, rằng ai sẽ giúp cho Bọ Lập đi vệ sinh, ngay cả khi ông có cây gậy quen thuộc của mình.
Hồi giữa năm nay, Bọ Lập gọi tôi ra quán. Ông sợ tôi không đến vì biết rõ tính tôi không thích đám đông, nên gọi bắt nhà thơ Đỗ Trung Quân làm cam kết phải đưa tôi ra cho bằng được. Anh Quân gọi, mắng "thằng quỷ, mày làm gì mà để cho ông Lập ép cả tao". Lý do của buổi gặp mặt đó, chỉ là cớ để ông nhắc cho tôi biết rằng có "nhiều người quan trọng" khó chịu mấy bài phóng sự về bạo loạn ở Bình Dương của tôi. Khi đưa bài của tôi lên blog Quê Choa, ông nhận được điện thoại giọng lạnh lùng, bảo phải tháo xuống ngay nếu không muốn gặp rắc rối. Dặn tôi cẩn thận rồi lại dúi cho mấy cuốn sách của ông đã ký tặng sẳn. Bọ Lập ra về - cũng dáng đi khập khiễng và cây gậy ấy.
Trang blog Quê Choa đem lại cho ông không ít phiền phức. Trước khi vào phòng tạm giam theo lệnh chính thức của công an, Bọ Lập cũng đã làm quen với một sự giam hãm không tuyên bố từ rất lâu trước đó. Các mục viết thường xuyên của ông trên báo nhà nước đột nhiên bị cắt bỏ, thôi không cho cộng tác nữa. Các nơi làm việc bỗng lơ là và mất dần một cách khó hiểu. Nhà văn Thuỳ Linh ở Hà Nội kể rằng các kịch bản có tên tác giả Nguyễn Quang Lập bị từ chối liên tục. Đến mức, chị phải khuyên rằng nếu chỉ để làm nghề, thôi thì Bọ Lập thử lấy tên khác xem. Quả nhiên, kịch bản mang tên vô danh tiểu tốt nào đó thì lại được duyệt ào ào.
Trước và sau khi Bọ Lập bị bắt, không khí văn nghệ Việt Nam nói chung, và Sài Gòn nói riêng, mỗi lúc một căng thẳng. Những người bị bắt dù không lạ nhưng vẫn làm cho buổi cơm chiều của giới trí thức bị thảng thốt, ngàn ngạt. Đã có lúc tin đồn trên mạng bảo rằng có một danh sách đang được countdown từng ngày. Mọi người kháo nhau và cười rất kiêu bạc rằng Solzhenitsyn mô tả Quần đảo Gulag và nơi này không khác nhau là mấy. "Nghe đồn cái phòng để sẳn đề tên tui, vừa thay bảng tên ông đó nghe", Đỗ Trung Quân cứ hay trêu Huỳnh Ngọc Chênh theo kiểu đó.
Những lúc như vậy Bọ Lập lại cười ha hả và nâng ly bia. Trang blog của ông vẫn là một trong những nơi mà hàng chục ngàn người tìm đến mỗi ngày, sức hút không thua gì một tờ báo tiền tỉ của nhà nước, nhưng lại rất gần gũi vì chỉ đưa những gì con người muốn nói với nhau, chia sẻ với nhau. Được và mất thật mong manh, nên đâu có gì quan trọng nữa.
Một ngày sau khi Bọ Lập bị tạm giam, có bài báo đánh với theo ông già đi không vững. Người viết nặc danh ghi rằng Bọ Lập là một nhà văn không có phẩm hạnh khi dám chỉ trích tổng bí thư. Tôi thì chỉ nghĩ rằng rất nhiều các nhà văn trên toàn thế giới xã hội chủ nghĩa luôn ca ngợi các tổng bí thư, cũng không có mấy ai trong số họ giới thiệu được chút phẩm hạnh nào của mình. Bọ Lập chắc cũng không màng loại phẩm hạnh đó.
Bao giờ thì Bọ Lập quay về nhỉ? Khi biết tin Bọ Lập bị bắt, tôi lại nhớ Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình... Lẽ nào con người hát và viết, nói điều mình nghĩ lại có thể là tội phạm? Hơn nữa, đó lại là những con người yêu nước. Buổi chiều dừng chân trú cơn mưa ở vỉa hè, chợt thấy nơi đó bày bán những cây gậy bằng tre. Tôi nhìn địa chỉ và ghi lại. Biết đâu Bọ Lập khi bước ra, ông vẫn cần một cây gậy mới để đi cùng, trong vòng vây thương mến của mọi người chào đón ông.
Nội dung bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

**********************************
 

Tặng nhà văn Nguyễn Quang Lập

Nguyễn Thị Từ Huy 2014-12-06
nguyen-quang-lap-b-622.jpg
Nhà văn cũng là Blogger Nguyễn Quang Lập người điều hành Blog Quê Choa nổi tiếng.
Courtesy photo
Tôi viết mấy dòng ngắn ngủi này, hôm nay, khi biết tin anh Nguyễn Quang Lập bị bắt.
Xin kể ra đây một chi tiết chỉ có anh Lập và tôi biết. Tôi nghĩ, bây giờ mọi người nên biết.

Bao giờ chúng ta quyết định sẽ thôi sống hèn?

Ngày 16/3/2014, tôi gửi tác giả của blog Quê Choa bài “Bao giờ anh thôi sống hèn?”, để nhờ anh công bố. Bài đó mở đầu bằng lời mào đầu (chapeau) sau đây:
“Tôi gửi nhà văn Nguyễn Quang Lập, một người đàn ông không hèn mà tôi biết, bài viết này, nhờ anh giới thiệu trên blog Quê Choa.”
Khi đọc bài đăng trên blog của anh, tôi thấy anh đã cắt bỏ lời mào đầu này. Cử chỉ ấy của anh Lập cho tôi biết rằng anh thực sự là một người đàn ông không chấp nhận sống hèn. Quả thật anh Lập là một trong những người đàn ông Việt Nam ít ỏi không hèn mà tôi (điều này có nghĩa là còn có những người khác nữa không hèn mà tôi chưa biết).
Vì không chịu sống hèn mà anh bị bắt.
Hết người này rồi người khác vào tù.
Chín mươi triệu người Việt Nam còn ở ngoài nhà tù nhỏ, bao giờ chúng ta quyết định sẽ thôi sống hèn?
Paris, 6/12/2014

Dưới đây, xin giới thiệu lại bản đầy đủ của bài “Bao giờ anh thôi sống hèn?” với cái chapeau có thay đổi chút ít, để nhắn với nhà văn Nguyễn Quang Lập rằng vẫn còn có những người ở bên anh.

Bao giờ anh thôi sống hèn?

Tặng Nguyễn Quang Lập, một người đàn ông không hèn mà tôi biết.
Hôm nay tôi đọc được bài báo “Xem nông dân Hưng Yên kéo bừa thay trâu”, ở link này: http://www.baomoi.com/Xem-nong-dan-Hung-Yen-keo-bua-thay-trau/144/7784090.epi
Và thấy những hình ảnh người nông dân, trong thời đại được tuyên bố là công nghiệp hóa, phải dùng sức mình kéo bừa. Và nhất là, phụ nữ phải thay trâu kéo cày, như thế này:
tp-400.jpg
Hình bài báo Xem nông dân Hưng Yên kéo bừa thay trâu. Photo to courtesy of Tiền Phong.
Đàn ông các anh, nhìn cảnh này có nghĩ gì không, có cảm thấy gì không?
Các anh nói gì khi đặt hình ảnh này cạnh câu khẩu ngôn được treo khắp mọi vùng miền trên đất nước này: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, hạnh phúc?”
Hay là các anh sẽ chẳng nghĩ gì, chẳng cảm thấy gì, chẳng nói gì hết và chẳng làm gì hết? Chẳng làm gì hết trước việc những người phụ nữ của mình bị bán đi làm nô lệ tình dục cho đàn ông nước ngoài, chẳng làm gì hết trước việc những người phụ nữ của mình phải làm cái công việc vốn là của con trâu (than ôi, dưới thời phong kiến phụ nữ không phải kéo cày), chẳng làm gì hết khi những người phụ nữ của mình bị đẩy ra đường, bị bỏ đói, bị đối xử bất công (trường hợp của Nhã Thuyên, của cô Nguyễn Thị Bình còn đang là thời sự đấy thôi). Đa số các anh chẳng làm gì hết, thế nhưng ngày mồng tám tháng ba vẫn còn có thể thốt ra được những lời chúc mừng mỹ miều cho phụ nữ.
Cũng tương tự như việc đa số các anh im lặng, buông xuôi, trước những dấu hiệu rõ rệt, không thể phủ nhận, về sự lệ thuộc của đất nước này vào Trung Quốc.
Cá nhân tôi, từ những gì nhìn thấy và biết được, tôi cho rằng sở dĩ có tình trạng phụ nữ phải kéo cày như thế này, sở dĩ có sự suy thoái toàn diện của xã hội hiện nay, có sự mất độc lập quốc gia hiện nay là vì đa số đàn ông các anh hèn và quá hèn. Không phải các anh không biết, không phải các anh không thấy. Các anh thấy hết, biết hết, nhưng nhắm mắt làm ngơ, lấy im lặng và nhẫn nhục làm mục đích tồn tại.
Tôi muốn hỏi tất cả đàn ông các anh, những người đàn ông của chúng tôi, câu này:
“Bao giờ các anh sẽ thôi tán phét trong các quán nhậu? Bao giờ các anh quyết định thôi sống hèn?
Hậu mồng tám tháng ba.
Nguyễn Thị Từ Huy
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

1 nhận xét:

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm