Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Ai đứng sau "Chân dung quyền lực" ? theo phân tích của Nguyễn Hưng Quốc

Mới các bạn nghe phân tích của Nguyễn Hưng Quốc, 1 nhà nghiên cứu và phân tích về VN.
cdql-622.jpg Nguyễn Hưng Quốc
13.01.2015
Trong mấy tuần vừa qua, sự kiện thu hút sự chú ý của các cư dân mạng và những người quan tâm đến sinh hoạt chính trị Việt Nam nói chung nhiều nhất có lẽ là sự xuất hiện của trang blog mang tên “Chân Dung Quyền Lực”. Trên mạng lưới internet, từ facebook đến blog, ở đâu người ta cũng xôn xao bàn tán về Chân Dung Quyền Lực (CDQL). Ảnh hưởng của CDQL lớn đến độ nhà cầm quyền Việt Nam, hết người này đến người khác, phải lên tiếng cảnh cáo mọi người không được nói xấu giới lãnh đạo, gây chia rẽ trong nội bộ đảng và làm suy yếu chế độ.
Giống trang Quan Làm Báo trước đây, nội dung chính của trang CDQL là nhằm vạch trần tệ nạn tham nhũng của giới lãnh đạo Việt Nam. Tuy nhiên, trang CDQL khác trang Quan Làm Báo ở nhiều điểm.
Thứ nhất, nó chuyên nghiệp hơn. Trang Quan Làm Báo được trình bày một cách khá nhếch nhác, cách hành văn cũng khá luộm thuộm. CDQL, ngược lại, có hình thức khá đẹp và đặc biệt, được viết với một văn phong rõ ràng mạch lạc, không khác một cán bộ tuyên huấn có tay nghề cao.


Thứ hai, về nội dung, Quan Làm Báo tập trung vào mâu thuẫn giữa chính quyền và nhóm “tài phiệt” tại Việt Nam; CDQL tập trung vào nạn tham nhũng của các thành viên trong Bộ chính trị, tức những người có quyền lực cao nhất nước.
Thứ ba, về sức thuyết phục, Quan Làm Báo rất ít có bằng chứng để hỗ trợ sự lên án của mình, CDQL, ngược lại, nói đến đâu trưng bằng chứng ra đến đó. Các bằng chứng ấy bao gồm: giấy kê khai tài sản, nhà cửa với địa chỉ và hình ảnh rõ ràng, hình ảnh chụp với thân nhân hoặc bạn bè. Khó biết những bằng chứng ấy chính xác đến độ nào. Nhưng nó gợi lên ấn tượng là chúng có thật.
Thứ tư, về nguồn tin, cả Quan Làm Báo lẫn CDQL đều gợi ấn tượng là nó đến từ bên trong: Quan Làm Báo biết trước Bầu Kiên bị bắt; CDQL loan báo chính xác ngày giờ ông Nguyễn Bá Thanh được chở về Việt Nam, trong khi hầu hết giới chức tại Việt Nam, kể cả những người trong uỷ ban bảo vệ sức khoẻ của Trung ương cũng như giới lãnh đạo tại Đà Nẵng đều mù tịt. Sự chính xác này khiến dư luận nói chung càng tin những gì được viết trên CDQL là những lời tố cáo từ trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Hơn nữa, phần lớn các bài viết trên CDQL đều có hình ảnh cụ thể và rõ ràng của những người được đề cập. Ngoài gia đình hoặc những giới chức có thẩm quyền lớn, ai có thể có những bức ảnh ấy?
Tất cả những đặc điểm vừa nêu đều dẫn đến một kết luận: Trang CDQL là nơi giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay dùng để tố giác và hạ uy tín của nhau trong cuộc chạy đua vào Bộ chính trị cũng như các chức vụ cao nhất trong hệ thống đảng (Tổng bí thư) và nhà nước (Chủ tịch nước và Thủ tướng).
Nhưng kết luận ấy lại dẫn đến một nghi vấn khác: Ai là người đứng sau trang CDQL?
Để trả lời câu hỏi ấy, có thể phân tích nội dung trên trang CDQL.
Về đối tượng được đề cập, tính đến Chủ nhật 11 tháng 1 năm 2015, trên trang CDQL có khá nhiều người được mang ra mổ xẻ. Nhiều nhất là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 27 bài; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang 20 bài, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng 18 bài, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng 8 bài, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh 7 bài (tất cả đều liên hệ đến tình trạng bệnh hoạn của ông), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 5 bài, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị 4 bài, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, mỗi người 2 bài , Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Thường trực Bí thư Trung ương đảng Lê Hồng Anh và Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng Tô Huy Rứa mỗi người một bài.
Về sự đánh giá, có thể chia thành hai nhóm. Một, nhóm bị đả kích kịch liệt, chủ yếu vì tội tham nhũng hoặc bất tài, vô đức; và hai, nhóm được khen ngợi. Thật ra, cái gọi là được khen ngợi ấy không thể gọi được là nhóm bởi ở đó chỉ có một người duy nhất: Nguyễn Tấn Dũng. Nguyễn Tấn Dũng được khen là một “hình ảnh độc tôn” trên sân khấu chính trị Việt Nam, người đầy tài năng và quyền lực, hơn nữa, có triển vọng trở thành vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam thời hậu cộng sản.
Nhìn vào nội dung như trên, người ta dễ có ấn tượng chính Nguyễn Tấn Dũng hoặc đàn em của Nguyễn Tấn Dũng đứng đằng sau trang CDQL. Thú thực, tôi không tin lắm. Thứ nhất, Nguyễn Tấn Dũng không vụng về đến độ ra tay một cách lộ liễu để ai cũng có thể thấy được như vậy. Ở cương vị của ông, ai cũng thấy, đó là điều cực kỳ nguy hiểm. Thứ hai, nếu là Nguyễn Tấn Dũng, đối tượng bị ông đả kích kịch liệt nhất sẽ là ba đối thủ nặng ký nhất trong guồng máy đảng và nhà nước: Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng, những người ngang tầm và có khả năng giành giựt chiếc ghế Tổng bí thư mà dư luận đồn đoán là ông sẽ nhắm tới sau khi làm Thủ tướng hết hai nhiệm kỳ. Trên trang CDQL, cả ba người này đều bị phê phán gay gắt, nhưng đối tượng bị kết án nặng nề nhất lại là một người khác, hiện đang giữ chức phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc. Cho dù Nguyễn Tấn Dũng đang có tham vọng gì trong kỳ đại hội đảng sang năm, Nguyễn Xuân Phúc cũng không phải là đối thủ của ông. Ông không cần phải ra tay như vậy. Cái giá phải trả quá lớn trong khi kết quả lại không được gì. Thứ ba, vấn đề được phanh phui nhiều nhất trong các bài viết đả kích từ Trương Tấn Sang đến Nguyễn Sinh Hùng, Phùng Quang Thanh và Nguyễn Xuân Phúc đều là vấn đề kinh tế với những khối tài sản kếch xù của họ cũng như của anh chị em hay con cháu họ. Tôi nghĩ đây là một đề tài mà Nguyễn Tấn Dũng không dại gì xới lên bởi nó sẽ gây tác dụng ngược: về phương diện này, có lẽ không ai trong guồng máy chính quyền Việt Nam có mức giàu có như ông và con cái của ông cả.
Vậy thì là ai?
Tôi lóe ra ý nghĩ: Nguyễn Bá Thanh (hoặc đàn em của ông) chăng? Chỉ có Nguyễn Bá Thanh hoặc người của Nguyễn Bá Thanh mới biết rõ tình trạng bệnh hoạn của ông đến vậy. Chỉ có Nguyễn Bá Thanh hoặc người của Nguyễn Bá Thanh mới biết rõ các chi tiết liên quan đến lịch trình chuyến về Việt Nam từ bệnh viện Mỹ của ông đến vậy. Chỉ có Nguyễn Bá Thanh hoặc người của Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương với chức năng tìm kiếm dấu vết tham nhũng, mới nắm rõ hồ sơ về gia sản của các cán bộ đến như vậy. Chỉ có Nguyễn Bá Thanh hoặc người của Nguyễn Bá Thanh mới căm ghét Nguyễn Xuân Phúc, hai người vốn là đồng hương nhưng lại là đối thủ với nhau trong một thời gian dài, đến như vậy. Và chỉ có Nguyễn Bá Thanh mới ra tay một cách khốc liệt như vậy vì, thật ra, ông không có gì để mất cả: Với tình trạng bệnh hoạn như vậy, nếu còn sống sót, sự nghiệp chính trị của ông coi như đã kết thúc, ông không hy vọng gì giữ được chiếc ghế trong Trung ương đảng, đừng nói gì là Bộ chính trị.
Dĩ nhiên, xin nhấn mạnh, đây là phỏng đoán. Chỉ là phỏng đoán.
Điều quan trọng hơn, bất kể người nào đứng sau trang CDQL và họ nhắm đến bất cứ một mục tiêu gì, những sự phanh phui về tệ nạn tham nhũng của những cán bộ lãnh đạo cao nhất trong hệ thống đảng và nhà nước như vậy cũng là những tài liệu cực quý, lần đầu tiên dân chúng mới được biết một cách cụ thể. Trong trận đấu đá này, có người thắng kẻ bại, nhưng kẻ bại cuối cùng chắc chắn vẫn là đảng Cộng sản: Dưới mắt dân chúng, họ hiện nguyên hình là những tên tham nhũng vơ vét tài sản của đất nước để làm giàu cho bản thân và họ hàng.
Đó mới là điều đáng để chúng ta quan tâm.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nguyễn Hưng Quốc

Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

-Nếu là (nhóm) Nguyễn Bá Thanh thì tại sao lại khen 3D ?  -CDQL là của 3D. Ca ngợi NBThanh là vì cha này đã bị vô hiệu hóa,nên khen để đánh hỏa mù mà còn lấy được tiếng thơm nữa.

__________________________________________


Ai đứng phía sau trang “Chân Dung Quyền Lực”

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2015-01-02

cdql-622.jpg
Hình chụp trang mạng Chân Dung Quyền Lực.
Screen capture
Thời gian trước Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 12 người ta thấy xuất hiện một trang mạng có tên Chân Dung Quyền Lực với hàng trăm bài viết hình ảnh về các nhân vật cao cấp nhất trong chính phủ và đảng Cộng sản Việt Nam. Hầu hết các bài viết đều vạch ra những bí mật mà bên ngoài không biết và đặc biệt nhất là những hình ảnh khó tìm thấy ở bắt cứ đâu về các nhân vật mà nó nhắm tới.

Cách hành văn như báo cáo nội bộ?

Theo một nhà báo kỳ cựu giữ mục an ninh nội chính không muốn nêu tên có nhận xét rằng văn phong của Chân Dung Quyền Lực là cách hành văn của báo cáo nội bộ mà người bên ngoài khó bắt chước hay giả mạo. Thứ đến, các văn kiện, tài liệu đưa lên cũng rất trùng khớp với hình thức những văn bản hiện nay. Cạnh đó trang Chân Dung Quyền Lực có thể được xem là được tổ chức rất bài bản, nó được sắp xếp khoa học và bài nào cũng có trọng tâm đánh người được nhắc tới theo một trình tự chuyên nghiệp.
Hình ảnh dồi dào mà nó trích dẫn không thể có từ một nhà báo nước ngoài ngay cả những cơ quan tình báo. Chỉ có công an bảo vệ chính trị mới có khả năng này và từ nút thắt ấy, giới thạo tin lần mở ra thủ lĩnh thật sự của Chân Dung Quyền Lực là ai là điều không khó.
Trang mạng này của ai lập ra thì không ai dám khẳng định nhưng khi nhìn vào cách mà nó điều hành thì không khó lắm để đưa ra những suy đoán hợp lý. Ông Đặng Xương Hùng cựu lãnh sự Việt Nam tại Geneve, Thụy Sĩ cho biết nhận xét qua kinh nghiệm mà ông có được trong khi giữ vai trò của một nhà ngoại giao:
Tuy có những đấu đá, những xì xầm và những thông tin truyền đạt lại cho nhau cũng có thường xuyên nhưng độ đáng tin cậy của những trang này đến đâu thì tôi không dám khẳng định nhưng rõ ràng nó là một nét mới trong đấu tranh quyền lực của các nhà lãnh đạo.
-Đặng Xương Hùng
Cái này với tôi là một câu hỏi khó bời vì trước đây chuyện đấu đá nó vẫn có nhưng không xuất hiện những trang ngấm ngầm tự hiểu, muốn hiều thế nào thì hiểu thí dụ như trang Nguyễn Tấn Dũng hay trang Chân dung quyền lực mới đây. Nó chỉ xuất hiện trong những năm gần đây thôi chứ trước Đại hội XI tình hình nó không có những hiện tượng này. Tuy có những đấu đá, những xì xầm và những thông tin truyền đạt lại cho nhau cũng có thường xuyên nhưng độ đáng tin cậy của những trang này đến đâu thì tôi không dám khẳng định nhưng rõ ràng nó là một nét mới trong đấu tranh quyền lực của các nhà lãnh đạo mà nó nổi lên nhất là cái sự đi không trong hàng của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Từ nhận xét “không đi trong hàng” tới gần như khẳng định đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người nổi bật nhất trong bốn người cầm quyền hiện nay. Ông Đặng Xương Hùng cho biết:
Ông Nguyễn Tấn Dũng có thể trong một chừng mực nhất định đã có những phát biểu hầu như chỉ nhằm có lợi cho bản thân ông, có lợi cho tư thế của ông ấy thôi chứ còn những phát biểu đó có thể ông ấy không chấp hành trong một chiều hướng nào đó của chủ trương chung. Tuy nó vẫn nằm trong chính sách nhưng mà nó có những thứ đặc biệt trong cách nhìn. Tôi cảm nhận rằng ông Nguyễn Tấn Dũng ông ấy không đi theo hàng lối mà từ trước đến nay kỷ luật ấy trong đảng là rõ rệt, các cá nhân đêu phải đi torng hàng lối để không bị loại ra.
Cái chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng không đi theo hàng và việc xuất hiện những trang như trang Nguyễn Tấn Dũng rồi Chân Dung Quyền Lực thì hiện tượng này làm cho tôi cảm thấy trong cuộc đấu đá này ông Nguyễn Tấn Dũng ở vào thế mạnh nhất bởi vì so với các lực lượng, với các cá nhân khác thì họ chỉ có chức vụ chứ không có quyền lực nhất là có cái thứ để mà cho các nhân vật khác để đổi lại sự trung thành và đổi lấy sự đứng cùng với ông Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Nguyễn Bá Thanh có bị đầu độc?

Trên YouTube loan tải một video clip cho thấy cách đây hai năm, nói chuyện trước 4.500 cán bộ tại thành phố Đà Nẵng ngày 8 tháng 4 năm 2012 trước khi Nghị quyết trung ương 4 khóa 11 diễn ra ông Nguyễn Bá Thanh đã vẽ chân dung của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà không một chút sợ hãi nào, ông nói:
nguyen-ba-thanh-305.jpg
Ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban nội chính Trung ương.
Ông tưởng ông ngon lắm. Ông tưởng họ kính nể họ chấp tay họ bái phục ông cho nên đừng có vội cứ nhìn cái mặt tốt của mình, chỉ thấy bên ngoài thôi chứ còn nhiều vấn đề lắm. Họ làm sai là từ chức chứ mình làm sai rồi cứ nhơn nhơn tỉnh queo coi như không có vấn đề gì. Cách chức thì ảnh chịu thôi chứ biểu ảnh từ chức thì ảnh không từ! Ảnh nói có bao nhiêu người phải từ đâu mà tôi từ? Có lòng tự trọng lắm đấy. Họ làm sai thì từ chức còn mình làm sai thì cùng lắm kiểm điểm rút kinh nghiệm. Cho nên không có cái dây nào nó dài hơn cái dây kinh nghiệm.
Như dọn đường cải đổi nhân sự trong Đảng trước khi Nghị quyết trung ương 4 khóa 11 diễn ra 6 tháng sau đó, ông Thanh cho 4.500 đại biểu tại thành phố Đà Nẵng một thông tin quan trọng là lần này khác với những lần trước trong vấn đề xử lý các lãnh đạo không chịu từ chức hay không chấp nhận khuyết điểm của mình:
Như vậy là suốt 5 nhiệm kỳ, kéo dài 25 năm một chặng đường mà Hàn Quốc dư sức chuyển mình từ một nước nông nghiệp sang một nước công nghiệp. Suốt 5 nhiệm kỳ kéo dài 25 năm vần đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn được đề cập và hết sức quyết liệt hô hào thì rất mạnh nhưng mà như tôi nói càng xây càng ra nhiều nghị quyết thì tình hình nó càng ngày càng xấu thêm yếu kém và phức tạp hơn.
Nhưng bây giờ nó có điểm mới ở chỗ này. Lần này mới ở chỗ giải pháp tổ chức thực hiện. Báo cáo các đồng chí các lần trước là làm chung chung rứa thôi. Toàn đảng đưa ra rồi làm. Còn lần này không làm theo cái cách đó nữa đâu. Lần này khác là làm từ trên làm xuống chứ không làm dưới làm lên nữa đó là cái mới.
Cái thứ hai không phải chỉ tự phê bình và phê bình đâu mà có gợi ý góp ý trước khi phê bình. Khác đấy chứ không phải để tự anh nói ra cái chi rồi tôi nghe đâu. Gợi ý ra để anh kiểm điểm và làm từ trên xuống chứ không làm đồng loạt. Bắt đầu từ Tồng bí thư, bắt đầu từ Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban bí thư rồi tới từng anh Ủy viên Ban chấp hành trung ương chứ không có kiểm điểm tràn lan. Anh không nhân, anh không thấy thì sẽ có người chỉ ra cho anh chứ không giống mấy lần trước đâu lần này khác. Tôi thì tôi tin rằng nó sẽ có chuyển biến.
Nhưng kết quả sau đó ai cũng biết là không có một chuyển biến nào cụ thể. Chiều ngày 15 tháng 10 năm 2012 Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chỉ dám có một câu thông báo về biệt danh người bị kiểm điểm là đồng chí X, tất cả đâu vẫn hoàn đấy.
Thế nhưng đồng chí X không chấp nhận thua cuộc cho là thua trên danh nghĩa đối với địch thủ của ông và lần này trang Chân Dung Quyền Lực xuất hiện trước Hội nghị Trung ương 12 để thông báo cho các địch thủ như Quan Làm Báo, Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Sinh Hùng biết rằng trò chơi quyền lực vẫn còn diễn ra và diễn ra không khoan nhượng nữa là khác. Mặc dù trang này có bài viết với tất cả các khuôn mặt cao cấp trong bộ chính trị nhưng phần viết về ông Dũng rất nhẹ nhàng, hời hợt thậm chí bênh vực một cách khéo léo.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được tập trung với hình ảnh tài liệu cho thấy ông này là sâu dân mọt nước với tài sản trong và ngoài nước hàng ngàn tỷ và kể cả có dính tới việc ám sát ông Nguyễn Bá Thanh bằng chất độc phóng xạ ARS.
Theo Chân Dung Quyền Lực thì ông Phúc đã từng dùng quyền Phó Trưởng ban thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để ra lệnh cho Thanh tra Chính phủ công khai kết quả thanh tra đất đai Đà Nẵng nhằm triệt hạ uy tín, bít đường vào Bộ Chính trị của ông Nguyễn Bá Thanh.
Chân Dung Quyền Lực cho biết sự liên hệ mật thiết của ông Phúc đối với đại gia Hoa kiều Đặng Văn Thành người gắn bó rất chặt với lãnh sự quán Trung Quốc tại Sài Gòn và không ngoại trừ khả năng ông Phúc nhờ ông Thành liên lạc với Bắc Kinh thực hiện vụ đầu độc này.
Chân Dung Quyền Lực có hình ảnh từ Viện ung tư tại Seattle của Mỹ, nơi được canh gác nghiêm nhặt cho thấy ông Nguyễn Bá Thanh trong những giây phút cuối cùng sau khi nhiễm độc. Nó cũng thông báo cho biết là ông Thanh sẽ được chở từ Mỹ về Đà Nẵng vào ngày hôm nay, 2 tháng 1 năm 2015.
Nhưng tại sao trang của Thủ tướng Dũng lại đánh ông Phúc bằng cách chứng minh ông Phó thủ tướng giết hại ông Nguyễn Bá Thanh người từng tuyên bố những câu mạnh mẽ về sự tham nhũng của ông Dũng?
Cách giải thích hợp lý nhất là ông Thanh không còn nguy hiểm cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay cả khi ông trở thành nguyên Thủ tướng. Ông Phúc mới là người sẽ tranh chức này với những người mà ông Dũng âm thầm cơ cấu trong Hội nghị Trung ương 12 và ông Thanh được sử dụng để buộc tội ông Phúc.
Dù sao thì mọi sự cũng chỉ là giả thiết mà giả thiết thì luôn có đúng có sai. Cái chung của giới quan sát chính trường Việt Nam là cùng đồng ý rằng điều mà Chân Dung Quyền Lực chứng tỏ và được mọi người đồng tình đó là từ trang này, người dân biết rõ hơn những khuôn mặt quyền lực đang cai trị Việt Nam và những gì đang âm thầm xảy ra trước kỳ họp lần thứ 12 sắp tới.
Thưa quý vị liên quan đến thông tin mà trang Chân Dung Quyền Lực loan tải, trong một bài mới nhất trên tờ Lao Động hôm nay đưa tin rằng một lãnh đạo sân bay Đà Nẵng thừa nhận, hôm nay 2.1.2015, công tác bảo vệ an ninh sân bay Đà Nẵng đã được tăng cường mạnh và thắt chặt các biện pháp kiểm soát trước thông tin lan truyền trên mạng rằng, hôm nay ông Nguyễn Bá Thanh sẽ về nước chữa bệnh qua đường sân bay Đà Nẵng.
Nguồn tin trên cho biết: "Việc ông Thanh về Việt Nam chữa bệnh qua đường sân bay Đà Nẵng, ông cũng chỉ được nghe qua các kênh thông tin không chính thức được tung lên mạng Internet. Cho đến thời điểm này, ông chưa có thông tin gì cụ thể về lịch bay về chuyến bay đưa Trưởng ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh về Việt Nam qua sân bay Đà Nẵng. Tuy vậy sân bay cũng đã tăng cường lực lượng an ninh và bảo vệ mạnh hơn, để bảo vệ an toàn hoạt động của sân bay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm