Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

RFA :Cẩn thận với các thực phẩm gây ung thư

Cẩn thận với các thực phẩm gây ung thư

2012-11-15
Trong vài tuần gần đây, thông tin về việc mì gói Nongshim của Hàn Quốc có chứa chất gây ung thư đã và bị thu hồi tại một số nước đã gây lo ngại cho nhiều người.
RFA file
Một trong nhiều loại mì Nongshim bán trên thị trường (ảnh minh hoạ)

Tải xuống - download

Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp cho thấy không chỉ có mì Nongshim có chứa chất gây ung thư, bởi chất benzopyrene trong mì Nongshin còn có thể tìm thấy khá phổ biến trong nhiều sản phẩm khác, đó là chưa kể các chất khác trong thực phẩm cũng có liên quan đến bệnh ung thư.
Chất Benzopyrene không chỉ có trong mì

Có thể nói một trong những thông tin được nhiều người tiêu dùng quan tâm nhất trong vài tuần gần đây chính là tin về việc phát hiện chất benzopyrene trong mì Nongshin của Hàn quốc. Giới chức y tế của một số các quốc gia như Đài Loan, Thái Lan, và Philippines đã phải lên tiếng cảnh báo về mì Nongshim vì tác hại gây ung thư của chất benzonpyrene. Một số quốc gia thậm chí còn cấm bán loại mì này, điển hình là Thái lan và Philippines. Một số siêu thị tại Việt Nam cũng đã tạm thời ngưng bán một số loại mì gói của Nongshim, như neoguri hot và Neoguri mild.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch hội ung thư Việt Nam cho biết đây là chất được xếp vào nhóm 1 gây ung thư và có thể còn tìm thấy ở các sản phẩm khác:
"Cái chất đó là chất gây ung thư thực sự và người ta sắp nó vào nhóm 1, đó là rõ ràng rồi. nhưng vấn đề người mình nghe thấy nó gây ung thư thì về an toàn thực phẩm thì người ta rút thực phẩm đó là đúng…: nó là một trong những chất gây ung thư nằm trong thuốc lá."
Chất benzopyrene được cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ xếp vào danh sách các chất gây ô nhiễm. Chất này cũng có thể được tìm thấy trong nước mặt, nước máy, nước mưa, nước ngầm, và nước thải. Hóa chất này xuất hiện từ việc đốt cháy cây, gỗ, hay than. Trong nhà, nguồn của benzopyrene đến từ lò sưởi nơi củi bị đốt, từ bếp lò và từ khói thuốc lá. Vì vậy đây là chất sinh ra trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm chứ không phải đơn thuần là một chất trong bảo quản. Người ta cũng có thể tìm thấy chất này trong thịt nướng cháy.
Xét về hậu quả lâu dài, chất benzopyrene có khả năng gây các bệnh ung thư da, phổi, và bàng quang ở người và động vật.
Nhiễm benzopyrene như thế nào?
Người ta có thể nhiễm benzopyrene theo nhiều con đường: có thể là do tiếp xúc từ không khí, từ nước hay từ đất gần nơi rác thải hoặc những khu vực bị ô nhiễm.
Người tiêu dùng có thể bị nhiễm chất này do ăn các thực phẩm có chứa benzopyrene. Không chỉ mì Nongshim có chứa benzopyrene mới là nguồn thực phẩm duy nhất có thể khiến người tiêu dùng nhiễm chất này. Chất benzopyrene cũng có thể
Chất benzopyrene cũng có đặc biệt là trong thịt nướng cháy
Chất benzopyrene cũng có đặc biệt là trong thịt nướng cháy. Source dieutri-ungthu-org
tìm thấy trong các đồ ăn khác như bột mì, bánh mì, rau quả, thịt chế biến, đặc biệt là trong thịt nướng cháy. Người tiêu dùng cũng có thể bị nhiễm benzopyrene từ nước uống hoặc sữa bò có nhiễm benzopyrene. Trẻ em uống sữa mẹ cũng có nguy cơ bị nhiễm benzopyrene nếu mẹ sống gần khu vực rác thải nơi có benzopyrene.
Những hóa chất có khả năng gây ung thư bao gồm benzopyrene, khi vào cơ thể trong một thời gian dài sẽ tích tụ dần và gây đột biến gene, dẫn đến ung thư. Bác sĩ Phạm Đình Lựu, Chủ nhiệm bộ môn sinh lý Y học, đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh giải thích:
"Cái gì mà kích thích nhiều lần lên một cơ quan bộ máy thì nó làm cho tế bào dễ bị đột biến gene. Bình thường tế bào đều có DNA nhưng khi đột biến thì những gene gây ung thư tạo các tế báo bất bình thường. Ví dụ hút thuốc lá nhiều thì khói thuốc lá vào phổi thì gây ung thư phổi. Ví dụ trong mì của Hàn Quốc chẳng hạn, người ta nói có chất gây ung thư thì hóa chất đó gây đột biến gene. Hóa chất nào gây đột biến gene thì nó gây ung thư."
Thời gian từ nhiễm benzopyrene đến bị ung thư là cả một quá trình lâu dài và tích lũy. Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng giải thích thêm:
"Tuy nhiên muốn gây ung thư thì phải có thời gian lâu lắm, ví dụ trong thuốc lá có chất này gây ung thư thì phải hút thuốc thời gian lâu dài và hút nhiều nữa thì mới gây ung thư, cho nên không thể nói chất gây ung thư mà ăn vào liền một cái thời gian ngắn gây ung thư đâu. Nên người nào ăn đúng mì đó thì cũng không hoảng quá vì nó chưa đủ thời gian, chưa đủ liều lượng lâu dài. Nhưng ngưng ăn và tránh dùng sản phẩm là điều đúng. Nói chung không quá hoảng sợ."
Theo Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Kê, nguyên Viện trưởng Viện vệ sinh y tế công cộng, thường thì hàm lượng những chất có khả năng gây ung thư như benzopyrene trong thực phẩm không cao nên khả năng gây bệnh ngay lập tức trong giai đoạn ngắn là hiếm:
Nguồn của benzopyrene cũng đến từ thuốc lá. AFP
Nguồn của benzopyrene cũng đến từ thuốc lá. AFP
"Ung thư thì tùy, thời gian thì lâu lắm, mà hàm lượng người ta đưa thì chỉ vượt quá hàm lượng cho phép một ít thôi chứ không nhiều. Nó tích lũy. Những hóa chất vào thì không gây ung thư ngay đâu, có khi 5, 10 năm có khi 20 năm, có khi 50 năm chứ không gây ngay. Cho nên nói là để mình cảnh giác thế thôi. Chứ chất đó nó gây ung thư ngay như nhiễm vi sinh vật hay độc tố gây bệnh cấp tính ngay, đó là thuộc về mãn tính, nó chậm." Mới đây, cơ quan thuốc và thực phẩm Hàn Quốc cũng đã tiến hành những xét nghiệm về chất benzopyrene trong các gói mì của Nongshin và cho biết hàm lượng chất này trong mì không cao, thậm chí cực thấp để có thể gây hại cho người.
Chất gây ung thư không chỉ có benzopyrene
Trên thực tế, bên cạnh mì gói Hàn quốc có chứa benzopyrene, các sản phẩm mà người tiêu dùng sử dụng hàng ngày cũng còn có thể chứa các chất có khả năng gây ung thư về lâu dài. Điển hình là thuốc lá được cho có chứa đến hơn 60 chất gây hại cho người trong đó có benzopyrene. Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng cho biết:
Chế độ ăn mà muối mặn quá, nitrad nó vào người nó thành chất nitroxamin thì là một chất gây ung thư.
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng
"Các ung thư khác ở nam giới là ung thư thanh quản, ung thư họng, ung thư thực quản thì trong 10 loại thường gặp ở đàn ông thì đều liên hệ với thuốc là chứ không phải chỉ có ung thư phổi…..Gây ung thư phổi nhiều và ung thư ở các vùng mà khói thuốc đụng chạm tới gồm có lưỡi, niêm mạng miệng, và thanh quản, ung thư họng. Nhưng các ung thư khác là ung thư ruột, bàng quang và tụy cũng bị ảnh hưởng. Còn phụ nữ hút thuốc thì tăng nguy cơ cổ tử cung và ung thư vú và thường thì người ta không ngờ chuyện này. Khói thuốc nó lan truyền khắp cơ thể đụng chạm tới tất cả các tế bào của cơ thể, và nó đi đến nhân tế bào…"
Bên cạnh đó, là một số các sản phẩm khác mà các bác sĩ khuyên người tiêu dùng nên cẩn trọng không nên quá lạm dụng ví dụ như thịt hun khói. Nói về các sản phẩm có thể có chứa chất gây ung thư, giáo sư Nguyễn Chấn Hùng giải thích:
"Những cái xúc xích, hamburger thì người ta giải thích là người ta phải dùng muối nhiều vì phải muối, giống như mình khô mắm vì để dành được lâu. Nếu ăn chế độ mặn như thế thì lâu không tốt. Đối với ung thư thì dễ gây ung thư bao tử, ung thư ruột, cái cơ chế nó khác chứ không phải là chất gây ung thư. Chế độ ăn mà muối mặn quá, nitrad nó vào người nó thành chất nitroxamin thì là một chất gây ung thư. Nó không mang chất đó nhưng nó phối hợp trong người.
Một số các loại hạt như đậu, lạc bị mốc được cho là những sản phẩm nếu dùng nhiều cũng có thể gây ung thư...nấm mốc phát triển trên các loại hạt là nguyên nhân chủ yếu sinh ra chất aflatoxin rất độc, gây tổn thương gan và là thủ phạm gây ung thư gan.
Giáo sư Nguyễn Thị Kê
Một số các loại hạt như đậu, lạc bị mốc được cho là những sản phẩm nếu dùng nhiều cũng có thể gây ung thư. Theo Giáo sư Nguyễn Thị Kê, nấm mốc phát triển trên các loại hạt là nguyên nhân chủ yếu sinh ra chất aflatoxin rất độc, gây tổn thương gan và là thủ phạm gây ung thư gan.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi bảo quản kém, thực phẩm sẽ sinh ra các loại nấm xanh, nấm mũ đều chứa chất aflatoxin. Chất này khi xâm nhập vào gan sẽ dẫn tới ga nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan. Nếu người đang bị viêm gan B và ăn phải nấm mốc có chứa aflatoxin thì có thể tăng nguy cơ ung thư cao hơn 60 lần so với người bình thường.
Gần đây, người tiêu dùng Việt Nam phát hiện áo ngực nhập khẩu từ Trung Quốc có chứa chất polycyclic aromantic hydrocarbon (PAH), cũng là chất có khả năng gây ung thư nếu tiếp xúc lâu dài.
Mới đây, cơ quan thuốc và thực phẩm Hàn Quốc đã lên tiếng chấn an dư luận khi nói rằng hàm lượng chất benzopyrene có trong các sản phẩm mì Nongshin đã được kiểm tra là rất thấp, không có đủ khả năng gây hại cho người. Tuy nhiên, tại các nước như Thái Lan, lệnh tạm ngưng bán mặt hàng này vẫn đang có hiệu lực. Các bác sĩ khuyên người tiêu dùng dù sao cũng nên cẩn trọng khi sử dụng các sản phẩm đã bị cảnh báo, mặc dù hàm lượng các chất gây hại thấp.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm