Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Bí mật gây mê tôm cá trước khi vận chuyển

Bí mật gây mê tôm cá trước khi vận chuyển

image

Nhiều người ngạc nhiên khi thấy có loại tôm, cá được vận chuyển từ Bắc vào Nam nhưng vẫn bơi lội tung tăng như chưa từng trải qua quãng đường xa hàng nghìn cây số. Nhưng thực tế, để làm được điều này, dân trong nghề đều phải có "bí kíp" riêng.

Gây mê cho… tôm, cá
Từ trước tới nay, người ta chỉ thường nghe nói gây mê cho người để tiến hành những ca giải phẫu trong bệnh viện chứ chưa mấy ai nghe tới gây mê cho tôm cá bao giờ. Nhưng với dân trong nghề thủy sản thì việc này đã thành quen. Với những dân buôn thủy sản lâu năm và “chuyên nghiệp”, gây mê đã trở thành “bí kíp” để ‘hàng” của họ được tươi như vừa mới bắt lên dù vận chuyển đi cả ngàn cây số.

image
Tình cờ nói chuyện với một cô gái người miền biển tên H. lên Hà Nội làm giúp việc, tôi được H. kể cho nghe chuyện những người đi đánh bắt xa bờ ở quê hay dùng phương pháp “ru ngủ” bằng thuốc mê cho những con cá giá trị đánh được để khi thuyền vào bờ, cá được đánh thức lại bơi lội như "chưa có chuyện gì xảy ra". Những người buôn bán, phải vận chuyển thủy, hải sản đi xa để phân phối mà muốn tôm, cá không chết cũng áp dụng cách này.
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện của H., một sinh viên khoa Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của ĐH Nông nghiệp đang làm bài về đề tài “Các phương pháp vận chuyển thủy hải sản”, tôi làm quen với các đại lý buôn bán thủy sản nhờ giúp đỡ và được họ tiết lộ những “bí mật” trong nghề.

image
Người đầu tiên là anh Q., chủ một đại lý phân phối thủy hải sản ở chợ Thành Công, Hà Nội. Khi tôi đề cập tới các phương pháp vận chuyển thủy sản đi xa, anh Q. cho hay, anh không trực tiếp thực hiện việc vận chuyển bởi chỉ nhận hàng từ các đầu mối chở tới nhưng đúng là những người vận chuyển dùng phương pháp gây mê để tránh cho tôm cá bị chết khi... đi dọc đường.
“Hồi mới làm nghề này, bắt mối với những lái buôn vùng biển, họ đều hứa có cách vận chuyển tôm cá cho mình để khi tới nơi, bảo đảm hàng vẫn sống khỏe. Làm đại lý được một thời gian tôi mới biết họ vận chuyển bằng cách gây mê”, anh Q. nói.
Theo anh Q., những loài cá đắt tiền vận chuyển từ Nam ra đều được gây mê.

image
Theo anh Q., tôm, cua, ghẹ và cá khi vận chuyển đều dùng phương pháp gây mê nhưng đối với tôm, cua, ghẹ, người ta chỉ cần “sốc nhiệt” cho chúng mê man, sau đó vận chuyển đến nơi tiêu thụ thì “đánh thức”. Phương pháp này không cần sử dụng thuốc mà chỉ làm giảm nhiệt độ đột ngột bằng cách cho đá lạnh vào nước khiến tôm rơi vào trạng thái ngủ đông.
Còn đối với cá, cơ địa của chúng khác tôm, cua nên không thể áp dụng phương pháp ngủ đông được mà phải gây mê bằng thuốc. Tuy nhiên, gây mê cá bằng thuốc như thế nào thì anh Q. không biết rõ. “Cái này phải hỏi bên đầu mối chứ mình không làm nên không biết”, anh Q. cho tôi số điện thoại đầu mối tận Vũng Tàu để tìm hiểu.

image
Liên lạc với số điện thoại, tôi được người đàn ông tên Huỳnh tiếp chuyện. Anh Huỳnh cho hay, việc gây mê một số cá bằng cách hòa thuốc mê theo một số lượng đã định vào hồ nước đựng cá, đến khi cá lịm đi thì di chuyển. “Trong khi vận chuyển vẫn phải để cá trong môi trường nước, tùy vào quãng đường, thời gian vận chuyển mà hòa tỷ lệ thuốc mê khác nhau để canh giờ cá tỉnh. Cái này phải người trong nghề lâu năm mới thành thạo được”, anh Huỳnh tiết lộ.

image
Tôm hùm được đánh thuốc mê rồi vận chuyển.
Cá được gây mê bằng loại thuốc nào?
Sau một hồi trò chuyện, tôi ngỏ ý muốn biết tên loại thuốc dùng gây mê cá để chỉ một người bà con, anh Huỳnh từ chối với lý do đó là “bí mật nghề nghiệp”. Tuy nhiên, trước khi cúp máy, anh Huỳnh nói thêm: “Gây mê thì có nhiều loại nhưng không phải dễ mua và cũng chỉ nên gây mê cho những loại cá giá trị như cá mú, cá tầm... Nếu ở trong này thì ra chợ bán lẻ dược phẩm Phú Thọ, quận 11 hoặc chợ Kim Biên Sàigòn mà tìm”.
Tôi đem câu chuyện tới gặp thầy Kim Văn Vạn, trưởng bộ nuôi trồng thủy sản, ĐH Nông nghiệp Hà Nội để tìm hiểu thêm, thầy Vạn cho hay: “Phương pháp gây mê bằng hóa chất đã được áp dụng trong nuôi trồng thủy sản nhưng tôi mới chỉ biết người ta thường gây mê để vận chuyển, cho các loài cá rất đắt tiền như cá rồng hoặc các loại cá giống từ nước ngoài về nhân giống trong nước chứ chưa nghe đến việc gây mê cho cá thực phẩm bằng thuốc”.

image
Một con cá rồng đã được gây mê bằng hóa chất MS222.

Loại hóa chất được sử dụng trong thủy sản để gây mê mà thầy Vạn nhắc tới có tên là MS 222 không độc với thủy sản. Thầy Vạn cho biết, sử dụng hóa chất này để gây mê bằng cách hòa tan trong nước, sau đó thả cá, hoặc tôm cần gây mê vào. Chất gây mê thâm nhập qua tơ mang cá trong hô hấp, hòa vào máu và chuyển lên não, làm cho cá chuyển sang trạng thái mê.
Mặc dù kỹ thuật gây mê cho thủy sản không quá khó khăn và cũng không đòi hỏi chuyên viên kỹ thuật như đối với người, tuy nhiên những hiểu biết để thực hành đúng cũng rất cần thiết, vì nếu sử dụng không đúng loại chất gây mê, hoặc sử dụng quá liều, có thể làm cá chết.
Tuy nhiên, theo thầy Vạn, loại hóa chất MS222 này hiện không được bán thông dụng trong nước và giá thành khá đắt nên để các lái buôn sử dụng loại hóa chất này là điều khó xảy ra.

image
Một loại thuốc gây mê MS222 nhưng khá hiếm và đắt trên thị trường.

Bác sĩ Hoàng Văn Chương, chủ nhiệm khoa gây mê, bệnh viện 103, cho hay, đã từng biết đến việc gây mê cho cá để vận chuyển. Tuy nhiên, theo bác sĩ Chương, dù là loại nào đối với cá dùng làm thực phẩm, nếu được gây mê với liều lượng nhỏ thì không ảnh hưởng tới người tiêu dùng nhưng nếu ngược lại thì hậu quả chưa biết thế nào. “Cá được gây mê trong lúc vận chuyển sau đó tỉnh lại bơi trong nước như bình thường thì vẫn an toàn cho người ăn bởi khi cá tỉnh lại nghĩa là thuốc mê cũng đã hết tác dụng, chất gây mê đã được cá đào thải ra ngoài qua gan và thận nên người tiêu dùng có thể yên tâm”, bác sĩ Chương nói.


Nhật Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm