Dân ca miền Bắc
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2014-02-16
Trong chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ này, G.S, T.S, nhạc sĩ Trần Quang Hải trình bày về sự hình thành, những nét đặc trưng của dân ca miền Bắc và trong 2 kỳ tiếp theo, nhạc sĩ Trần Quang Hải sẽ tiếp tục với dân ca miền Trung và miền Nam.
N.S Trần Quang Hải: Nói về dân ca VN, trước hết, chúng ta biết dân ca VN rất phong phú, tất cả những bài ca do dân quê sáng tác mà không thuộc về nhạc triều đình, không thuộc về nhạc thính phòng cũng như nhạc tôn giáo, tất cả những gì không thuộc về 3 loại trên, được xếp vào loại dân ca.
Trước khi đi sâu vào vấn đề dân ca, chúng ta phải định nghĩa dân ca là gì? Theo tôi, dân ca là những bài ca không biết ai là tác giả, được truyền miệng từ đời này sang đời khác, dính liền với đời sống hàng ngày của người dân quê, từ bài hát ru con, cho tới bài hát trẻ em vui chơi, các loại hát lúc làm việc, hát đối đáp, lễ hội thường niên. Dân ca cũng mang màu sắc địa phương rất đặc biệt, tùy theo phong tục, ngôn ngữ, giọng nói, âm nhạc của từng vùng mà khác đi đôi chút. Nhìn chung, đó vẫn là những bài hát thoát thai từ lòng dân quê với tính chất mộc mạc của nó. Dân ca Việt Nam được trình bày theo trình tự một đời người, nghĩa là, bắt đầu bằng các bài hát ru em khi em bé bắt đầu chào đời, cho đến khi đứa bé lớn lên, trưởng thành và chết đi, cho nên sẽ có những bài hát liên hệ đến từng giai đoạn của đời người.
Chúng ta sẽ bắt đầu bằng những loại hát ru vì hát ru là một loại hát khai mào cho đời sống của một người Việt Nam kể từ khi mở mắt chào đời, mẹ ru con, chị ru em… chúng ta thấy ru con ở miền Bắc gọi là hát ru dựa trên thang âm ngũ cung, chỉ đặc thù ở miền Bắc mà không phải miền Trung và miền Nam…luôn luôn bắt đầu bằng chữ à…ời…à…ơi
Chúng ta thấy là thang âm đó được tìm thấy trong rất nhiều những bài dân ca miền Bắc chẳng hạn như bài Cò Lả. Đó là những bài hát đi vào từ hát ru, đứa trẻ nghe được và thấm nhuần thang âm đó, rồi khi lớn lên nó sẽ đi vào những cuộc thi hát với nhau hay trong các loại như là hát trống quân, hát quan họ, hát phường vải, hát xoan, hát ví…tất cả những loại đó đều thoát thai từ thang âm ngũ cung như tôi vừa nói.
Hát dân ca miền Bắc, mỗi một loại đều có những truyền thống rất đặc biệt và rất khó, đặc biệt ở miền Bắc có loại gọi là hát hội. Hát hội có nhiều loại, thí dụ hát trống quân, hát quan họ, cò lả ở vùng Bắc Ninh, hát phường vải ở Nghệ Tĩnh, hát ghẹo ở Thanh Hóa, hát xoan ở Phú Thọ. Hát hội hay hát đối thường mang những đặc điểm chung như sau: người hát và làng xã phải đối với nhau, thí dụ: nhóm nam ca sĩ phải đối với nhóm nữ ca sĩ và phải thuộc làng xã khác nhau, hầu hết đều có đặc tính là hát tình ca để đưa đến vấn đề hôn nhân, đồng thời, đặc tính đoàn thể cũng rất được nhấn mạnh, chẳng hạn, trong quan họ có tục kết bạn thuộc vào gia đình quan họ, có liền anh, liền chị, anh hai, chị hai, anh ba, chị ba, theo thứ tự, tùy theo người hát giỏi hay dở chứ không kể vào tuổi tác, có thể người anh hai 30 tuổi, người anh tám lại 80 tuổi.
Truyền thống kết bạn trong một gia đình được thấy trong hát ghẹo ở Thanh Hóa, hát xoan ở Phú Thọ cũng có tục kết nghĩa với nhau. Thi đua là một trong những đặc tính quan trọng trong một cuộc hát đối, các người hát phải thi đua về trí nhớ, lời ca hay óc nhạy bén, phải tùy cơ ứng biến. Nhưng điều quan trọng nhất trong hát đối đáp phải ứng tác ứng tấu nghĩa là bên kia hát mình phải đối lại về cả nhạc và lời, chỉ có trong quan họ là có vấn đề điệu nhạc đối và lời hát đối với bên kia. Do những đặc tính đó, trong quan họ, mỗi lần gặp nhau nảy sinh ra một số bài hát mới, tính cho đến hôm nay, truyền thống quan họ có trên 600 bài khác nhau, trong khi đó, những loại dân ca khác như cò lả hay trống quân chỉ có 1 giai điệu thôi. Đặc trưng của nhạc Việt Nam là dấu và thanh, nó làm thay đổi làn điệu nhưng vẫn giữ đúng màu sắc.
Trong văn chương dân gian của người VN và trong các loại nhạc dân ca của VN thì người ta chú trọng nhiều về lời hơn là về nhạc. Khi hát hội, thường xảy ra trong một phạm vi địa lý nhỏ hẹp như Bắc Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ… Mỗi một cuộc thi hát thường chia làm 3 hay 4 giai đoạn như hát mời ăn trầu trong trống quân, hát giọng lề lối trong quan họ, hát dạo, hát chào, hát mừng, hát hội của phường vải, hát dạo, hát mừng, hát thăm trong hát ghẹo. Sau khi mở đầu của hát thi thì đến phần trả lời câu đố trong trống quân, giọng vặt trong quan họ, hát đố, hát đối trong phường vải, hát đối, hát se kết trong hát ghẹo. Sau đó, là những cuộc thi tiếp tục giai đoạn 3 gồm có: hát khen tặng trong trống quân, hát mời se kết trong phường vải; giai đoạn cuối cùng là hát tiễn trong phường vải, hát giã bạn trong quan họ, hát thề, hát dặm trong hát ghẹo, hát giã bạn trong hát xoan…
Chúng ta có thể thấy rằng những điệu hát trong dân ca miền Bắc rất phong phú và theo lề lối, lời hát thì có nhiều từ ngữ Hán Việt, thành ra người hát phải có trình độ cao thì mới có thể hát và hiểu được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm