Friday, August 17, 2012 3:30:29 PM
Song Chi/Người Việt
Tình trạng lãng phí tràn lan trong đầu tư công, hay
chất lượng kém do nạn tham nhũng, “rút ruột công trình” ở VN là “chuyện biết
rồi, nói mãi.”
|
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, chi phí xây dựng hơn $3 tỉ
nhưng liên tiếp phải dừng hoạt động vì trục trặc kỹ thuật. (Hình: Hoang Dinh
Nam/AFP/Getty Images)
|
Nhưng điều quan trọng hơn, báo chí, dư luận “nói hoài,
nói mãi” mà qua năm tháng, cũng chẳng thấy có gì thay đổi!
Chỉ riêng từ đầu tháng 8 năm 2012 đến nay, tức là mới
hơn hai tuần, ai có theo dõi báo chí thường xuyên đã thấy nổi lên nhiều vụ.
Nào vụ “Nhà máy lọc dầu Dung Quất lại dừng hoạt động”
(báo Người Lao Ðộng) để xử lý lỗi kỹ thuật. “Liên quan đến khớp nối giãn nở
nhiệt trên đường xả khí CO của phân xưởng RFCC.”
Lần tạm dừng này kéo dài hơn một tuần, từ ngày 8 đến
ngày 17 tháng 8.
Cũng theo bài báo, “trước đó, trong hai tháng 5 và 7
vừa rồi, nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng đã dừng hoạt động để xử lý các lỗi kỹ
thuật.”
Tháng 7 năm 2011, nhà máy cũng đã tạm dừng 2 tháng để
tiến hành bảo dưỡng đợt 1 và khắc phục những điểm tồn tại kỹ thuật.
Một công trình được đánh giá là “một trong những dự án
kinh tế lớn, trọng điểm quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ 21...
Ðược khởi công xây dựng từ năm 2005, tổng mức đầu tư là hơn 3 tỉ USD (khoảng
40,000 tỉ đồng)...” (theo trang Wikipedia tiếng Việt)
Nhưng khi đưa vào vận hành chưa được bao lâu thì cứ
trục trặc, hoạt động cà giựt, mỗi lần sửa chữa tốn kém cả đống tiền.
Ðó là chưa nói công trình này ngay hồi đầu đã bị quốc
tế chỉ trích và tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả, khả năng kinh tế do được đặt ở
một địa điểm không thuận lợi.
Nhưng “với quyết tâm chính trị của đảng và nhà nước”
nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ở tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền
Trung nói chung, dự án này vẫn được tiến hành. (Làm kinh tế mà lại được xét
đoán theo quyết tâm chính trị thì sợ thật!)
Tất nhiên, những người chịu trách nhiệm tiếp tục khẳng
định với người dân “sự cố của nhà máy Dung Quất trong tầm kiểm soát” (theo
VNMedia).
Cũng trong tháng 8, báo chí đưa tin vụ đường hầm sông
Sài Gòn bị nứt, thấm nước.
Bài “Vừa sử dụng, hầm vượt sông Sài Gòn đã thấm, nứt?”
trên VTC News viết: “Hầm Thủ Thiêm (TPHCM), một trong những hầm vượt sông lớn
và hiện đại nhất khu vực Ðông Nam Á đã xuất hiện những vết trám trét và có dấu
hiệu bị thấm nước...”
Ðây là hàng loạt các bài báo khác về vụ này: “Sửa chữa
các vết thấm đường hầm sông Sài Gòn” (báo Tuổi Trẻ), “Ðẻ con ‘khuyết tật’ thì
phải chăm sóc suốt đời(?!),”báo Lao Ðộng), “Cận cảnh hầm sông Sài Gòn chi chít
‘vết thương’ (báo Dân Trí)...
Công trình này cũng mới được khánh thành long trọng và
đưa vào sử dụng vào tháng 11, 2011.
Cũng như vụ nhà máy lọc dầu Dung Quất nói trên và
những trường hợp tương tự khác, chủ đầu tư và những người chịu trách nhiệm lại
lên tiếng trấn an rằng hiện tượng thấm nước là bình thường, “trong giới hạn cho
phép.”
Nhưng những nhà chuyên môn thì bẻ lại “thấm trong giới
hạn cho phép” chỉ là cách nói trấn an dư luận. (phát biểu của Thạc sĩ Phạm
Sanh, chuyên gia giao thông, báo Dân Trí).
Còn người dân thì tất nhiên chả mấy tin tưởng vào
những lời nói nghe... rất quen này.
Ngoài ra còn những thông tin khác như “Cảng quốc tế
hơn 36 tỷ đồng bỏ hoang” (báo VNExpress) nói về cảng Phú Hữu ở quận 9, Sài Gòn
bị bỏ hoang vì “không có đường dẫn cho container ra vào.”
“Gần 70 tỷ đồng và trạm bơm... Ba Giọt” (Báo Dân Trí)
nói về trạm bơm Ba Giọt ở xã Phú Vinh, huyện Ðịnh Quán, tỉnh Ðồng Nai do Bộ
Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đầu tư, mới đưa vào vận hành đã liên tục hư
hỏng.
“Nhà văn hóa cộng đồng biến thành nơi... nhốt trâu
bò!” (báo Tin Tức) nói về việc “tỉnh Ðắk Lắk đã đầu tư trên 60 tỷ đồng để xây
dựng 554 nhà văn hóa cộng đồng ở các thôn, buôn, đồng bào dân tộc thiểu số tại
chỗ.” Nhưng sau khi xây dựng xong, phần lớn các nhà văn hóa này đều không hoạt
động, đóng cửa hoặc để nhốt trâu bò, làm sân đá bóng cho trẻ em. v.v...
Ðó là mới điểm báo sơ sơ trong vòng hai tuần lễ.
Còn vô số vụ lãng phí kinh khủng mà dư luận vẫn còn
nhớ, liên quan đến những “công trình cấp quốc gia, công trình trọng điểm, thế
kỷ” nhưng mới xây xong, đưa vào hoạt động là xuống cấp rất nhanh hoặc đủ thứ
“vấn đề kỹ thuật” xảy ra.
Như vụ cầu cao tốc Sài Gòn-Trung Lương hay đường
Láng-Hòa Lạc (đại lộ Thăng Long) bị hỏng, cầu Cần Thơ - cây cầu lớn nhất Ðông
Nam Á bị lún, nứt, thủy điện Sông Tranh 2 bị rò rỉ nước do lỗi thiết kế... Hay
những “công trình bề thế” chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Tờ Petrotimes hồi đó đã làm một loạt bài về “Những
công trình ‘nghìn năm Thăng Long’ bây giờ ra sao?”
Liệt kê từ “Quốc lộ 32 - Cung đường ‘vô địch’ về số
lần gia hạn,” “Ðại lộ Thăng Long - Cung đường nghìn tỉ giả vờ khánh thành,”
“Công viên trăm tỷ-có cũng như không” (về công viên Hòa Bình, Hà Nội), “Bảo
tàng Hà Nội-Công trình ‘điển hình’ cho sự lãng phí,” “Con đường gốm sứ - kỷ lục
gia đang kêu cứu”...
Có thể kể một danh sánh dài dằng dặc không biết bao
nhiêu công trình kiểu như vậy.
Sự lãng phí diễn ra ở khắp mọi nơi, từ những công
trình cấp quốc gia cho đến những công trình cấp tỉnh, huyện, xã... Hoặc do tham
nhũng, nạn “rút ruột công trình.” Hoặc do đầu tư không đúng địa điểm, chủ quan
quyết mọi chuyện theo nhãn quan chính trị mà không xét đến khía cạnh kinh tế,
các yếu tố lợi hại. Hoặc thiếu chiến lược, chính sách phát triển tiếp theo
v.v...
Tóm lại, có muôn vàn lý do khác nhau. Nhưng nguyên
nhân chính là do lối làm ăn gian dối, thiếu trách nhiệm và nạn tham nhũng
nghiêm trọng, có hệ thống, từ trên xuống dưới, trong mọi lĩnh vực, ở đất nước
này.
Bao nhiêu tiền của đổ sông đổ bể. Mà đó là tiền thuế
mồ hôi nước mắt của người dân.
Trong hàng trăm hàng ngàn vụ việc như vậy chỉ có một
số ít được xử lý, một số cá nhân bị cách chức, thuyên chuyển chức vụ hay thậm
chí ra tòa. Còn lại cả hệ thống đẻ ra cái cung cách làm ăn tham nhũng ấy vẫn
còn nguyên.
Riết rồi người dân cũng đâm ra chán!
Những con số thiệt hại hàng tỷ đô la Mỹ nghe riết rồi
quen, xem nhẹ tựa như lông hồng (!).
Ðối với dân đen, một phần do số tiền lớn quá họ không
hình dung nổi. Họ còn phải tối mắt tối mũi làm việc quần quật từ sáng sớm đến
tối mịt để kiếm từng đồng bạc lẻ.
Lương công nhân, giáo viên, công nhân viên bình thường
hay thu nhập của người nông dân, dân nghèo thành thị một tháng trên dưới một
vài triệu đồng VN làm sao hình dung được số tiền hàng triệu, hàng tỷ đô la là
bao nhiêu.
Thứ hai, ai cũng nghĩ nó như chuyện của chung, chuyện
của... ai đó chứ không phải của mình (!).
Từ người dân bị móc túi từng đồng thuế đóng góp cho
những cái công trình bị ăn cắp trắng trợn kia cho đến những người chịu trách
nhiệm trực tiếp. Và cao hơn nữa, là những người đứng đầu các bộ ngành, đứng đầu
đảng và nhà nước.
Họ cũng có ý nghĩ trách nhiệm là... trách nhiệm chung,
lãnh đạo tập thể mà, nghĩa là chẳng có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cụ thể
cả. Cùng lắm thì “nghiêm khắc kiểm điểm, phê và tự phê” rồi đâu lại vào đó.
Như những con nghiện quen thuốc, nhờn thuốc.
Người Việt Nam cứ tiếp tục sống với những con đường
vừa xây xong đã lún, những cây cầu mới khánh thành đã gãy, những đường hầm bị
nứt, những sân golf, dự án “đắp mền” bỏ hoang trong lúc dân thiếu đất trồng
trọt, canh tác...
Lại giật mình nghĩ đến hàng loạt những dự án, công
trình đang triển khai có ảnh hưởng đến hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu con
người nếu lỡ có sự cố gì xảy ra. Như các công trường khai thác bauxite ở Tây
Nguyên hay các nhà máy điện hạt nhân... Ðã và đang được “bảo đảm an toàn bằng
mồm” của các quan chức.
Ai cũng biết thừa rằng khi cái cơ chế này vẫn tồn tại,
trong đó sự minh bạch hay pháp luật chỉ là trò đùa, những loại quan chức đẻ ra
từ chế độ này vẫn còn ngồi đầy ra đó thì nạn tham nhũng, rút ruột công trình,
làm ăn gian dối sẽ vẫn còn, chất lượng các công trình sẽ vẫn tệ hại... Và
chuyện gì cũng có thể xảy ra!
Nhưng thôi, mọi chuyện đã có “đảng và nhà nước lo,”
người dân cũng chả nên lo làm gì!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm