Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Dânlàmbáo khoe Luật Biển Việt Nam & tàu+ dọa Việt+ đầu năm .

Tàu hải giám Trung Quốc tuần tra tại vùng Vịnh Bắc Bộ

Thanh Phương (RFI) - Theo tin của Tân Hoa Xã, trích dẫn thông cáo của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc, một đội gồm 2 tàu hải giám của Trung Quốc, với sự yểm trợ của máy bay trinh sát, hôm qua, 01/01/2013, đã đi vào vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, để « tiến hành tuần tra định kỳ vùng sản xuất dầu trên biển của Trung Quốc ». Không rõ là các tàu hải giám và máy bay trinh sát nói trên có đã đi vào vùng hải phận và không phận của Việt Nam hay không.


Đội tàu hải giám Trung Quốc đã đến vùng Vịnh Bắc Bộ sau khi tuần tra tại vùng biển Trường Sa. Theo Tân Hoa Xã, trong ngày đầu tiên của năm 2013, đã có 5 tàu chủ lực thuộc đội hải giám Trung Quốc tại Biển Đông tuần tra « bảo vệ chủ quyền trên biển ». Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc cũng cho biết là trong toàn bộ năm 2012, tàu hải giám của Trung Quốc đã thực hiện 58 nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông.


* Một chiếc tàu hải giám của Trung Quốc thả neo ở cảng Sanya (Reuters)

Hôm qua 01/01/2013, chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, bắt đầu áp dụng quy định cho phép cảnh sát biên phòng của tỉnh này khám xét toàn bộ các tàu bị xem là « hoạt động trái phép » trong khu vực mà Trung Quốc xem là vùng biển của họ trên Biển Đông.

Trước đó, ngày 31/12/2012, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam « chấm dứt những biện pháp làm phức tạp và trầm trọng thêm các vấn đề giữa hai nước, như Luật Biển của Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực ngày 01/01/2013 ».

Trong cuộc họp báo, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhấn mạnh rằng « Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi tại các quần đảo Tây Sa, Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) và các vùng biển liền kề tại Nam Hải (tức Biển Đông). Tất cả các yêu sách và hành động của nước khác liên quan đến chủ quyền các quần đảo này là bất hợp pháp và vô giá trị ».

Luật Biển của Việt Nam đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2012, trong đó khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Thanh Phương

   ________________________

Trung Quốc dọa Việt Nam về Luật Biển, nhưng trấn an thế giới về Biển Đông


Thụy My (RFI) - Tân Hoa Xã, hôm qua 31/12/2012, đưa tin bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam « chấm dứt những biện pháp làm phức tạp và trầm trọng thêm các vấn đề giữa hai nước, như Luật Biển của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực hôm nay ». Bên cạnh đó, Reuters cho biết, người phát ngôn của bộ này lại trấn an thế giới là quy định mới cho phép cảnh sát biển Hải Nam chặn và lục soát tàu thuyền trên Biển Đông, chỉ áp dụng trong một phạm vi hẹp mà thôi.

Bản tin mang tựa đề « Trung Quốc quan ngại sâu sắc về Luật Biển của Việt Nam » của Tân Hoa Xã dẫn lời tuyên bố của bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một cuộc họp báo, nhấn mạnh rằng « Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi tại các quần đảo Tây Sa, Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) và các vùng biển liền kề tại Nam Hải (tức Biển Đông). Tất cả các yêu sách và hành động của nước khác liên quan đến chủ quyền các quần đảo này là bất hợp pháp và vô giá trị ».


Bà Hoa Xuân Oánh nói thêm, Trung Quốc quan ngại sâu sắc về tác động tiêu cực trong việc áp dụng Luật Biển của Việt Nam.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (DR)

Tân Hoa Xã nhắc lại, Quốc hội Việt Nam hồi tháng 6/2012 đã thông qua Luật Biển, trong đó khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Còn Reuters hôm qua dẫn lời tuyên bố của bà Hoa Xuân Oánh nói rằng, quy định mới cho phép cảnh sát biển Hải Nam khám xét tàu bè tại Biển Đông, được báo chí nước này loan báo vào tháng 11/2012, không khác gì so với các luật đã ban hành vào năm 1999. Theo đó, các quy định trên chỉ được áp dụng trong phạm vi 22 km ngoài khơi Hải Nam.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc nói : « Điều mà tôi muốn nhấn mạnh là các quy định của địa phương do chính quyền tỉnh Hải Nam đưa ra nhằm tăng cường kiểm soát đường biên ở vùng duyên hải và quản lý hàng hải. Mục đích là để chống tội phạm trên biển, duy trì hòa bình ».

Tuy vậy theo Reuters, các quy định trên, bắt đầu được áp dụng từ hôm nay 01/01/2013, đã gây lo ngại cho các nước láng giềng, sợ rằng Bắc Kinh sẽ có chính sách cứng rắn hơn tại Biển Đông. Hãng tin Anh cho biết, một nhà ngoại giao cấp cao ở Đông Nam Á đã cảnh báo, các quy định này có thể gây ra những vụ xung đột tại Biển Đông, làm phương hại đến nền kinh tế của khu vực. Hoa Kỳ cũng đã yêu cầu Trung Quốc làm rõ vấn đề trên.
Thụy My http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130101-trung-quoc-doa-viet-nam-ve-luat-bien-nhung-tran-an-the-gioi-ve-bien-dong

Luật Biển Việt Nam sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2013



VOA - Biển Đông sẽ tiếp tục dậy sóng trong năm 2013, dựa trên những tin tức trong ngày cuối năm liên quan tới cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo và tài nguyên ở Biển Đông giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, và một số nước khác trong khu vực.

Chương trình Talk Vietnam khi loan tin này hôm nay nói rằng đây là lần đầu tiên có luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam.

Talk Vietnam nói rằng Luật Biển Việt Nam quy định về lãnh hải, nội thủy, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Luật biển Việt Nam khẳng định đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Luật này quy định các hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, cũng như vấn đề phát triển kinh tế, quản lý và bảo vệ biển đảo.

Theo quy định của Luật Biển, các cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam đều có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo và quần đảo, tài nguyên và môi trường biển.

Một số luật khác cũng trở nên hiệu lực từ đầu năm dương lịch cùng với Luật Biển Việt Nam, gồm có Luật Giáo dục đại học, Luật Công đoàn, Luật về Giá cả, Luật Giám định Tư pháp, Luật Tài nguyên nước, và Luật phòng, chống rửa tiền.

Trong khi đó, Hãng tin Reuters tường trình rằng Trung Quốc hôm nay đã có động thái nhằm giảm thiểu mức độ căng thẳng trong cuộc tranh chấp Biển Đông, nói rằng các quy định cho phép cảnh sát biển Trung Quốc kiểm soát tàu bè qua lại trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền chỉ có hiệu lực ngoài khơi vùng duyên hải gần kề đảo Hải Nam mà thôi.

Các quy định này cũng sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới đã gây ra quan ngại sâu xa trên khắp khu vực Đông Nam Á , vì các nước lo sợ rằng Trung Quốc sẽ có thái độ cứng rắn hơn trong cuộc tranh chấp Biển Đông.

Quan ngại càng lên cao vì trên nguyên tắc, Hải Nam có quyền quản lý và tài phán đối với vùng biển và các đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền, làm dấy lên lo ngại là cảnh sát biển Trung Quốc có thể lùng soát bất cứ tàu bè nào qua lại trong vùng này.

Nhưng lên tiếng trong một cuộc Hiến Pháp báo thường lệ hôm nay, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Doanh, khẳng định rằng quy mô của các quy định do truyền thông nhà nước loan báo hồi tháng 11, không đề ra thay đổi nào so với các luật lệ đã được thông qua hồi năm 1999, hạn chế việc thi hành luật lệ trong vòng 12 dặm từ bờ biển đảo Hải Nam. 

Đây là lần đầu tiên nhà nước Trung Quốc giải thích chi tiết về địa bàn thi hành các quy định mới.

Các nhà ngoại giao hàng đầu ở Đông Nam Á đã khuyến cáo rằng luật này có thể khơi ra những trận đụng độ giữa các lực lượng hải quân, tác động tới nền kinh tế khu vực, trong khi chính phủ Hoa Kỳ cho hay sẽ yêu cầu Trung Quốc xác minh luật này.

Nguồn: Reuters, Tuoi Tre.




http://www.voatiengviet.com/content/luat-bien-vietnam-se-co-hieu-luc-bat-dau-ngay-mot-thang-gieng/1575033.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm