Coi chừng thực phẩm chế biến thời toàn cầu hóa
Ảnh minh họa
REUTERS/Henry Romero
Thức ăn nhiễm khuẩn, chứa nhiều kim loại nặng, thuốc trừ sâu,
hay thuốc kháng sinh… là những gì mà người tiêu thụ đang nuốt vào hàng
ngày từ những sản phẩm chế biến sẵn, có hoặc đông lạnh được du nhập từ
nhiều nước trên toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con
người. Nguyên nhân chính bắt nguồn tư toàn cầu hóa.
Cùng với điện thoại di động và màn hình phẳng, các loại thực
phẩm ăn nhanh và đông lạnh cũng lần lượt tham gia vào danh mục các sản
phẩm nhập khẩu giá rẻ. Trong khi đó, các tập đoàn chế biến thực phẩm lại
rất mập mờ về nguồn gốc xuất xứ các thành phần chế biến, khiến người
dân không khỏi hoài nghi về độ an toàn thực phẩm được bày bán trong các
siêu thị lớn tại châu Âu và Hoa Kỳ, vốn dĩ đa phần được nhập khẩu từ
Trung Quốc.Liên quan đến chủ đề này, tuần san L’Express số ra tuần này mở hẳn một hồ sơ điều tra dài 16 trang cảnh báo thái độ mập mờ, đôi khi lừa phỉnh khách hàng của các tập đoàn chế biến thực phẩm, những khó khăn của công tác kiểm tra và đưa ra những lời khuyên trong cách thức ăn uống để tự bảo vệ sức khỏe. Bài viết chạy tựa « Báo động trong bữa ăn chúng ta ! »
Tờ báo chỉ trích, chưa đầy 20 năm, toàn cầu hóa đã làm biến đổi hoàn toàn thói quen « ăn uống » của nhân loại. Chúng ta đang đánh mất đi niềm hạnh phúc được thưởng thức các đặc sản quê nhà, theo từng mùa đầy hương vị. Thay vào đó là những sản phẩm tươi sống có quanh năm suốt tháng được nhập từ nhiều quốc gia khác nhau, với giá rẻ hơn nhưng cũng thải nhiều khí CO2 hơn là tiêu thụ tại chỗ.
Chính thái độ tiêu dùng vô trách nhiệm của người tiêu thụ nên mới dẫn đến việc ăn nhầm phải những thức ăn độc hại, chứa nhiều vi khuẩn lây bệnh nghiêm trọng như nhiễm vi khuẩn siêu vi gan A do ăn dâu tây đông lạnh nhập từ Trung Quốc, Brazil, tờ báo đơn cử. Hay các loại rau củ nhiễm kim loại nặng như gạo nhiễm chất cadmium của Trung Quốc, nước sốt ớt cay nhiễm chì của Mexico.
Vậy thì đứng trước các mối đe dọa mới này, các tập đoàn chế biến thực phẩm đã có những phản ứng như thế nào ? Về điểm này, tờ báo phê phán mạnh mẽ thái độ lãnh đạm, chạy theo lợi nhuận của các doanh nghiệp. Họ thẳng thắn trả lời rằng « cho đến giờ, chuyện đó đã làm ai thiệt mạng đâu ».
Ngoài đòi hỏi về giá cả và sự đa dạng sản phẩm của người tiêu thụ, trách nhiệm còn thuộc về áp lực của sự cạnh tranh, của chính các cổ đông và của các nhà phân phối lớn, đã buộc các tập đoàn chế biến thực phẩm phải đi tìm các nguồn hàng cho mình xa hơn và rẻ hơn ở trong nước.
Cuộc chiến lợi nhuận cũng làm cho các doanh nghiệp chế biến mờ mắt. Họ ve vãn các thương gia và nhà tiếp thị. Và do chỉ chăm chăm chú trọng đến việc giảm đóng thuế hơn là sức khỏe người tiêu thụ, các tập đoàn chế biến di dời nhà xưởng qua bên kia thế giới, mở rộng nhiều dây chuyền sản xuất khiến cho rủi ro mất khả năng kiểm soát càng cao.
Bằng chứng mới đây nhất là vụ sữa bột cho trẻ em của một tập đoàn đa quốc gia New Zealand bị phát hiện có nhiễm chất botulisme lưu hành rộng rãi tại châu Á. Tờ báo cho vụ việc trên khiến cho chúng ta không khỏi suy xét lại khả năng truy tìm nguồn gốc thực phẩm của các siêu thị lớn của Pháp nói riêng và các siêu thị lớn khác trên khắp hành tinh trong nhiều sản phẩm chế biến sẵn như bánh pizza vốn chứa đến hơn 60 thành phẩm, trong đó đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc.
Về phía các quốc gia nhập khẩu, l’Express cho hay là công tác kiểm định cũng gặp nhiều khó khăn. Thiếu nhân sự, thủ tục rườm rà, nên công tác thanh tra không thể nào bao trùm hết toàn diện. Theo lời thuật của quan chức thuộc Cơ quan kiểm định các nhà xưởng châu Á, hầu như công tác thanh tra chỉ được kiểm tra theo xác suất. « Duy chỉ có 2 hay 3% hàng hóa là được thanh tra. Trong số đó, có đến 30% lượng hàng không đủ chuẩn đã bị thải ra ».
Bài phóng sự cho rằng, ngoài việc không tôn trọng các chuẩn về an toàn, các nhà cung cấp thực phẩm còn đôi khi đánh lừa người tiêu thụ, chủ yếu về chủng loại hàng. Chẳng hạn như thịt cá ba sa Việt Nam được bán tại Na Uy là cá moruy, đánh bắt ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương. Và dĩ nhiên là sẽ được bán bằng với giá cá moruy đánh bắt tại chỗ.
Cá đông lạnh Trung Quốc gian lận giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm
Để hiểu rõ vấn đề, tờ báo đặc biệt có một bài phóng sự về ngành nuôi cá xuất khẩu tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Theo bài viết đề tựa « Cá nuôi trong nước đục », tại các trại nuôi cá, các tiêu chí về an toàn thực phẩm luôn bị coi nhẹ hơn là lợi nhuận. Trong khi đó, các mặt hàng của họ đều được tìm thấy trên các gian hàng đông lạnh tại châu Âu và Hoa Kỳ.
Tác giả cho hay là để có thể thâm nhập vào các thị trường trên, nhiều doanh nghiệp chế biến tại khu vực này đã không ngần ngại gian lận giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, được biết đến dưới cái tên CIQ. Họ có thể bán các sản phẩm của mình dưới một tên doanh nghiệp khác đã được cấp giấy CIQ, đổi lại phải chi một khoản huê hồng cho các doanh nghiệp này. Một doanh nhân tại Trung Quốc khẳng định với thông tín viên tờ báo hiện tượng này rất phổ biến.
Thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông nổi tiếng với hai mặt hàng thực phẩm xuất khẩu là tôm và cá rô phi. Trong vòng có một thập niên, từ 1990-1999, sản lượng nuôi cá tăng gấp đôi từ hơn 800 ngàn tấn lên hơn 1,6 triệu tấn cá và tăng lên gần gấp 4,5 lần vào năm 2008 (tức đạt mức sản lượng 3,5 triệu tấn).
Với con số trên, cá rô phi trở thành loài cá nuôi thứ ba trên thế giới đứng sau cá chép và cá hồi. Thế nhưng, theo tác giả hai ba năm đổi lại đây, gần 1/3 người nuôi cá chuyển đổi nghề, vì ba lý do : lợi nhuận thấp do bị lái thương và doanh nghiệp chế biến ép giá thu mua, thiếu kỹ năng chăn nuôi và giá bột nuôi cá tăng liên tục.
Từ chuyện để thỏa mãn sức ép giá cả và các tiêu chí về chất lượng của các khách hàng, nhất là khách hàng phương Tây, nhiều trại nuôi cá nhỏ của vùng đã phải dùng đến các thủ đoạn như sử dụng nhiều loại chất hóa học khác nhau để bảo quản cá không bị bể nát trong quá trình vận chuyển. Hay như khi có những đơn đặt hàng lớn bất ngờ từ những nhà cung cấp thực phẩm lớn phương Tây, do không đủ số lượng hàng để cung ứng, các nhà cung ứng tại chỗ đi thu gom thêm cá tại nhiều nhà nuôi khác bất chấp việc các nhà sản xuất này không có các giấy chứng nhận theo yêu cầu. Và như vậy khó có thể truy tìm nguồn gốc xuất xứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm