Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Cháy nhà mới ra mặt chuột



2012-10-19
Vụ vỡ đập thủy điện Đakrông 3 ở Quảng trị là lời cảnh báo cho hàng trăm công trình thủy điện lớn nhỏ ở Việt Nam, đặc biệt là hệ thống thủy điện bậc thang.


Photo courtesy of baogialai.com
Thân đập Dak Rông bị vỡ. Ảnh chụp hôm 14/10/2012


Che giấu thông tin

Trong những ngày qua, báo chí đưa tin sự cố Đak Rông 3 khá nhiều, nhất là cách thức chủ đầu tư che giấu thông tin, xem thường chính quyền địa phương cũng như tính mạng và tài sản của người dân. Chủ đầu tư cãi chày cãi cối tới khi không còn cách nào khác mới chịu nhìn nhận.

Đak Rông 3 có tổng đầu tư hơn 210 tỷ đồng, hoàn thành sau 2 năm thi công với hai tổ máy công suất tổng cộng 8MW và vừa được tổ chức nghiệm thu đưa vào vận hành chính thức phát điện thương mại, hòa lưới điện quốc gia hôm 25/9/2012.  Đập cao 20 mét dài 146 mét dung tích hồ chứa 3.400.000 mét khối do Công ty tư cổ phần thủy điện Trường Sơn ở Đồng Hới làm chủ đầu tư. Đập bị vỡ từ sáng 7/10 nhưng thông tin bị ém nhẹm tới 13/10 mới được nhìn nhận và công bố. Rất may chỉ có thiệt hại hoa màu, không có tổn thất nhân mạng trong vụ vỡ đập này.
Trả lời Nam Nguyên vào tối 18/10, GSTS Vũ Trọng Hồng nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch Hội Thủy Lợi Việt Nam từ Hà Nội nhận định:
Sau khi xem các bức ảnh thì cái chính là thủ tục cho phép tích nước là chưa làm đúng. Bởi vì đoạn đó tôi xem ảnh chưa xây xong, chắn tạm tấm bê tông phía trước mà đàng sau không có những ngăn cho tích nước thì lũ về là vỡ thôi. Điểm quan trọng nhất là do Hội đồng Nghiệm thu Cơ sở đã làm không đúng thủ tục, bởi vì muốn tích nước thì phải xây dựng xong công trình.
Chỉ cần đọc tựa bài của một số báo điện tử đã thấy vấn đề đầy bức xúc. Lao Động giật tít “Vỡ đập thủy điện Đak Rông 3 sau 15 ngày hòa lưới điện quốc gia” bài kế tiếp “Vỡ đập thủy điện Đak Rông 3: Lộ bê tông trộn đất và gỗ mục” và bài thứ ba “Không cơ quan nào biết chất lượng công trình thủy điện nhỏ.” Trong khi đó Thanh Niên có tựa bài khá ấn tượng “Ém nhẹm thông tin vỡ đập thủy điện”; Báo Dân Trí chạy tít đầy bức xúc “Vỡ đập thủy điện Đak Rông 3: Không thể đổ lỗi cho thiên tai!” Còn Nông Nghiệp Việt Nam thì ghi nhận sự kiện “Vỡ đập thủy điện Đak Rông 3: Chưa di dời dân đã tích nước hồ.”
Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển thủy điện ồ ạt đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ với sự tham gia của các nhà đầu tư không chuyên ngành. Qua sự kiện Đak Rông 3 GSTS Vũ Trọng Hồng nhận định:
Trong việc đầu tư thường có sự cạnh tranh nhau, người đầu tư muốn làm nhanh để mau thu hồi vốn, nhưng đối với người quản lý phải đảm bảo công trình đầu tư phải đúng luật, tức phải đảm bảo chất lượng. Tôi nghĩ là chúng ta chưa tổng kết hết được các công trình nhỏ, nhưng trong một số công trình vẫn xảy ra chuyện là nhà đầu tư vẫn muốn có lợi nhuận sớm.
Điểm quan trọng nhất là do Hội đồng Nghiệm thu Cơ sở đã làm không đúng thủ tục, bởi vì muốn tích nước thì phải xây dựng xong công trình.
GSTS Vũ Trọng Hồng
Việc Đak Rông 3 tích nước sớm đấy là do muốn có lợi nhuận cao. Tôi được biết miền Trung đang có rất nhiều thủy điện nhỏ và đã hoàn thành, theo tôi Đak Rông 3 là một bài học và đề nghị các tỉnh có công trình này phải có đề xuất ra những chương trình kiểm tra đánh giá xem xét, không được để chủ đầu tư tùy tiện như vậy.
Theo báo mạng Nông Nghiệp VN, nhánh sông Đak Rông từ Tà Rụt chảy về xã Đak Rông theo hướng Nam Bắc dài hơn 60km nhưng gánh trên mình 4 đập thủy điện theo dạng bậc thang trải dài từ phía xã Tà Rụt ra tới cầu Đak Rông thuộc huyện Đak Rông tỉnh Quảng Trị. Trong đó, đập thủy điện Đak Rông 3 nằm ở giữa, phía trên là thủy điện Đak Rông 1, phía dưới là thủy điện Đak Rông 4 và 2 đang xây dựng. Sự cố vỡ đập thủy điện Đak Rông 3 như lời cảnh báo nghiêm khắc cho nhiều công trình thủy điện khác, lơ là với an toàn hồ đập, chính là lơ là với tính mạng của người dân.

Sai quy trình

Untitled-1-250.jpg
Một góc Nhà máy thủy điện Đakrông 3 bên cạnh thân đập bị vỡ. Photo courtesy of vtc.vn
Nhận xét về xu hướng thiết lập thủy điện bậc thang nói chung tiềm ẩn nhiều nguy cơ lợi bất cập hại, GSTS Nguyễn Thế Hùng giảng dạy ở khoa xây dựng thủy điện thủy lợi Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhận định: Thủy điện giống như một con dao hai lưỡi, nhất là thủy điện bậc thang cần phải nghiên cứu cho kỹ bởi vì nó có hiệu ứng Domino, nếu lỡ mà đập ở trên bị vỡ có thể tác động dây chuyền làm vỡ những đập ở phía dưới. Hơn nữa tình trạng quá nhiều thủy điện ở thượng lưu, nếu không quản lý lưu vực tổng hợp không đưa về quản lý một mối, để lập chương trình điều tiết lũ liên hồ thì nhiều lúc gây khó cho hạ lưu. Thí dụ khi hạ lưu có mực nước cao và mưa lớn mà các hồ lại thi nhau xả lúc cùng một lúc thì lũ chồng chất làm nước lũ dâng rất nhanh có thể gây thiệt hại nhân mạng và tài sản.
Khảo sát tại hiện trường Đak Rông 3 của phóng viên báo Lao Động trong 2 ngày 13 và 14/10 cho thấy những dấu hiệu nghiệm trọng của tình trạng chất lượng công trình không đảm bảo trước con nước “rất hỗn” của dòng sông Đak Rông. Tại hiện trường, những khối bê tông khổng lồ vỡ ra từ thân đập bị trôi xuống hạ lưu nơi xa nhất chừng vài trăm mét. Bên ngoài những khối bê tông này lòi ra lưa thưa những que sắt, loại lớn nhất là phi 16. Nhà báo Lao Động ghi nhận những que sắt này không có dấu bị kéo đứt, gãy mà đa số còn nguyên vẹn. Điều này cho thấy, sắt được kết cấu cho từng khối bê tông riêng rẽ, chúng không được hàn hoặc tổ chức kết cấu cho toàn bộ thân đập.
Thủy điện giống như một con dao hai lưỡi, nhất là thủy điện bậc thang cần phải nghiên cứu cho kỹ bởi vì nó có hiệu ứng Domino, nếu lỡ mà đập ở trên bị vỡ có thể tác động dây chuyền làm vỡ những đập ở phía dưới.
GSTS Nguyễn Thế Hùng
Vẫn theo Lao Động điện tử, tại những nơi bê tông bị bể ra, bằng mắt thường có thể nhìn thấy nhiều tạp chất gồm đất, gỗ, củi…một số nơi có thể dùng tay bẻ bê tông rời ra từng cục. Ngay dưới chân thân đập, nơi chỉ chịu áp lực nước xối từ trên cao xuống, bê tông cũng bị xói trôi nhiều đoạn, lòi ra những que sắt nhỏ. Còn ngay tại vị trí đáy đập, nơi phần nổi của đập vừa bị cuốn trôi hôm 7/10, cũng chỉ thấy lòi lên những que sắt loại nhỏ. Tờ báo trích lời một người thợ xây dựng, chuyên nhận làm nhà ở cho cư dân địa phương nói rằng, bản thân không phải kỹ sư, nhưng nhìn vào kết cấu sắt trong các khối bê tông và nơi đáy đập, ông nghĩ rằng sắt như vậy vừa ít vừa quá nhỏ, không đủ để giữ hàng trăm tấn bê tông thế này.
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, GSTS Vũ Trọng Hồng nhận định:
Những bức ảnh người ta nhìn thấy thì đúng là chất lượng bê tông không đạt. Thông thường thủy điện nhỏ không có quản lý của bộ chuyên ngành mà giao xuống địa phương, trong khi địa phương chưa có trình độ chuyên môn để nghiệm thu công trình được. Tôi đang kiến nghị phải xem xét lại qui trình giao thủy điện nhỏ xuống địa phương liệu có đủ khả năng để quản lý hay không?

Chủ đầu tư tùy tiện?

baomoi-250.jpg
Cơ quan chức năng Quảng Trị tại hiện trường đập thủy điện Đakrông 3 bị vỡ. Photo courtesy of baomoi.com.vn
Trong một bài khác đưa lên mạng ngày 17/10, Lao Động điện tử nêu lên một vấn đề bức xúc, “đó là việc không một cơ quan nhà nước thẩm quyền nào biết hoặc quản lý hay chịu trách nhiệm về chất lượng, sự an toàn đập đối với các thủy điện vừa và nhỏ dưới 30 MW.” Theo tờ báo thì các nghị định, quyết định của cấp chính phủ hoặc cấp bộ mâu thuẫn, tròng tréo dẫn tới tình trạng như vừa nêu. Nghị định 72 của chính phủ về an toàn đập thủy điện qui định thẩm quyền nghiệm thu để đưa đập vào hoạt động thuộc UBND tỉnh, nhưng thông tư số 34 của Bộ Công thương về quản lý an toàn của công trình thủy điện vừa và nhỏ lại qui định việc nghiệm thu để đưa vào khai thác sử dụng đập là do chủ đầu tư quyết định. Do vậy ông Hoàng Tiến Dũng trưởng phòng  quản lý điện năng Sở Công thương Quảng Trị nhìn nhận là Sở không liên quan, không có thông tin, không biết, không được mời tham gia nghiệm thu công trình thủy điện Đak Rông 3. Vẫn theo Lao Động điện tử, ông Mai Thức, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định: “Toàn bộ từ lập dự án đầu tư phê duyệt, quyết định đơn vị thi công, giám sát, tất tần tật đều do chủ đầu tư tức Cty cổ phần thủy điện Trường Sơn một tay làm cả.” Ông Thức nhấn mạnh, UBND tỉnh Quảng Trị, cơ quan chức năng ở địa phương không hay biết gì cả và không loại trừ khả năng chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát là “người một nhà”. Về điểm này theo điều tra của Lao Động, ông Mai Văn Huế, chủ tịch HĐQT Cty cổ phần thủy điện Trường Sơn là chủ đầu tư cũng chính là TGĐ Cty cổ phần Tân Hoàn Cầu là đơn vị thi công. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Mai Thức nói với nhà báo: “vấn đề nghiêm trọng nhất là chủ đầu tư đã đưa đập vào vận hành mà không hề báo cáo cho cơ quan nhà nước thẩm quyền tại địa phương biết."
Toàn bộ từ lập dự án đầu tư phê duyệt, quyết định đơn vị thi công, giám sát, tất tần tật đều do chủ đầu tư tức Cty cổ phần thủy điện Trường Sơn một tay làm cả.
Trích Lao Động điện tử
Báo Dân Trí bản tin trên mạng ngày 17/10 nhận định: “Sau những rắc rối ở Sông Tranh 2 Quảng Nam, sự cố vỡ đập Đak Rông 3 Quảng Trị đang khiến các nhà khoa học lo lắng về độ an toàn của hệ thống thủy điện."
Tờ báo trích lời TS Đào Trọng Tứ, thành viên Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam nhận định rằng: “Trường hợp của thủy điện Đak Rông 3, sự cố vỡ đập chỉ sau 15 ngày hòa lưới điện quốc gia là điều không thể chấp nhận.” Vị chuyên gia từng có thời là Phó Tổng Thư ký Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam bày tỏ lo ngại: “Đak Rông 3 là tín hiệu đầu tiên cảnh báo nguy cơ mất an toàn từ những thủy điện nhỏ. Trong khi đó, hiện cả nước có 300 đập vừa và nhỏ, gần 1.000 đập thủy lợi. Nếu gặp thời tiết bất lợi, mưa lũ kéo dài sẽ rất nguy hiểm."


Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm