Phùng Thức/Người Việt
Người Sài Gòn từ lâu đời chọn Tháng
Bảy Âm lịch để ăn chay và đi chùa. Người ta hiểu tập tục này có xuất phát từ
tinh thần văn hóa Phật Giáo. Nhưng ngày nay, cái cớ ăn chay đi chùa còn có
nguyên nhân xa lánh thế tục hệ lụy.
Một nữ diễn viên điện ảnh tên A. ngồi trong bàn
nhậu, tán chuyện thời sự cùng dân văn nghệ, cô giữ mình không đụng vào bia và
mồi. Khi được hỏi là cô ăn chay để giữ dáng hay tu tâm. Cô cho biết cả hai và
nói thêm, “ăn chay còn tốt cho chuyện giữ mồm và giữ cái đầu trước vấn nạn
thế sự Việt Nam lúc này”.
Thời trước, chuyện ăn chay đi chùa trong Tháng Bảy
thường có giá trị là báo hiếu trong mùa đại lễ Vu Lan.
Vì sao người Sài Gòn lúc này ít ai mở miệng minh
định giá trị báo hiếu như người xưa thì chẳng ai biết. Có một anh bạn trẻ làm
nghề nhà báo ‘lề phải’ mời chúng tôi ra góc đường uống cà phê để nói chuyện
bầu Kiên bị bắt và những ai tiếp theo sẽ bị bắt, rồi anh mời chúng tôi đi ăn
trưa ở quán cơm chay cũng chỉ để nói chuyện bầu Kiên sẽ khai gì và lời cung
khai sẽ tạo nên biến động gì...
Chúng tôi hỏi. “Thế T. ăn chay cả Tháng Bảy để báo
hiếu à?” Anh T. nói. “Tháng cô hồn loạn lắm, bố mẹ em bảo chẳng cần em báo
hiếu gì, con nên ăn chay mà giữ lấy thân.”
Với những người trẻ, có lẽ tinh thần ăn chay thanh
tâm báo hiếu trong mùa vu lan đã thay đổi. Không thay đổi sao được khi mà
chuyện cắt cổ bà để lấy vài phân vàng, mê trai giết mẹ ruột, chém cha vì phê
thuốc... nhan nhản trên các trang báo.
Hội chứng ‘cướp, giết, hiếp’ từ gia đình đã trở
thành phổ biến thì với một số người trẻ mất căn cơ, hẳn nhiên đạo hiếu nghĩa
chỉ còn là chuyện tuồng tích cổ lỗ xỉ.
Dạo một vòng Sài Gòn trong Tháng Bảy ăn chay và mùa
đại lễ Vu Lan, sẽ bắt gặp một sự thật hiển nhiên đến mức có nhắm mắt cũng
thấy đó là; chưa có thời đại nào mà người già, người tàn tật bán vé số, bán
hàng rong nhiều bằng thời đại cộng sản thị trường. Có cảm giác như tất cả
những vùng quê nghèo trên khắp đất nước này đang ném người già vào cuộc mưu
sinh ở Sài Gòn.
Ở bất cứ quán cà phê, quán ăn, vỉa hè... chỉ cần 5
phút là bạn có thể được ít nhất một người già mời mua vé số hay mời món hàng
rong nào đó. Nếu tìm hiểu về số tuổi của các vị cao niên lang thang kiếm sống
này, hẳn sẽ được các cụ tăng thêm vài tuổi để động lòng thương cảm, đa số đều
ở tuổi ngoài tám mươi. Người không đi được thì ngồi xe lăn, xe tự chế để con
cháu kéo đi, có người được cõng, được ẵm. Người chân chất thì mời mua hàng
lịch sự, người lanh lợi thì dựng một màn diễn khổ nạn đau lòng để hút khách.
Một bà nội trợ cho biết. “Tôi ở quận 10, trước có
thấy hai bà già ăn mặc tươm tất ngồi ôm nhau ở góc đường, nhìn hai cụ neo
đơn, nghe gia cảnh hai cụ bị con cháu hất hủi, bất nhẫn nên có giúp đỡ vài
lần, sau mới biết rằng hai cụ này giả bộ. Thôi cũng chả trách hai cụ, thời
buổi khốn khổ quá mà, con cháu ném hai cụ ra đường thế này chắc cũng gặp cảnh
khổ lắm.”
Nói về chuyện người già nghèo khổ mà không nói
chuyện người già giàu mà khổ thì cũng thiếu sót. Người già giàu ở đây vốn là
những người nghèo cắm dùi ở các vùng đất ngoại thành Sài Gòn trước 1975. Nay
làn sóng đô thị hóa ập tới, những thửa đất phèn chua, nước mặn hoang vu bỗng
biến thành vàng, vậy là bi kịch cũng ập tới. Chồng già thì biến thành ‘tay
chơi’, bồ nhí, bia ôm, cá độ đá banh. Con cái thì xâu xé đòi chia đất, chia
tiền...
Có một bà bán rau ở Chợ Lớn, có ba công đất vừa bán
vừa bị qui hoạch được ít tiền chia cho con 5 đứa. Hai vợ chồng già còn lại
một nền nhà với một ít tiền gởi ngân hàng, vậy mà tới tháng đi lãnh tiền lãi
cũng bị con theo dõi phải nói dối là đi đám, đi khám bệnh để con khỏi biết có
tiền gởi ngân hàng.
Bà kể “Tui nói với ông chồng là mình không biết chữ.
Tụi nó mà âm mưu bán căn nhà từ đường này thì mình ra đường bán vé số chớ
chống đỡ gì được.”
Có một chuyện khác về người già có của còn thê thảm
hơn là chuyện một bà mẹ ở quận 6 vì giận con trai lớn tham lam muốn ôm hết
của cha để lại nên bà tuyệt thực đến chết. Khi người hàng xóm qua khuyên bà
nên ăn, bà mẹ đau khổ này nói. “Ðể tôi chết khuất mắt rồi tụi nó bán nhà, bán
xác tôi cho hả dạ tham lam.”
Nhân mùa Vu Lan, chúng tôi ghé qua một ngôi chùa nổi
tiếng ở khu Lê Minh Xuân, chùa Phật Cô Ðơn. Có một thời, ngôi chùa heo hút
này là điểm hành hương nhộn nhịp của giới lao động Sài Gòn. Nhưng giờ đây khu
đồng chua nước mặn, vốn là khu kinh tế mới vào những năm sau 1975, đã bắt đầu
trở thành thị tứ, ngôi chùa Phật Cô Ðơn cũng khang trang hơn, không còn có
cái vẻ là ngôi chùa có “ông Phật nghèo cô đơn”.
Hình ảnh quen đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp trên con
đường đầy hàng quán dẫn vào chùa là những người già, rất nhiều người gia đang
mưu sinh.
Các cụ bán các thẻ nhang đốt cúng và những món linh
tinh khác, trong đó món linh tinh mà không ai nghĩ bán được như rau đọt chạy
(một loại cây họ dương sĩ, mọc hoang) rau chùm bao, rễ hà thủ ô...
Trò chuyện với bà cụ bán những thứ “đặc sản bưng
biền” ấy; bà cho biết, trong mùa đi chùa ăn chay này mỗi ngày bà vừa bán vừa
được người động lòng cho tiền cũng được bảy tám mươi ngàn.
Mỗi sáng người con rể ẵm bà ra đây, bà đã 92 tuổi
chân yếu không đi được, nên người con rể hái những thứ rau này cho bà bán.
Bà nói: “Tui đại phước mới có được thằng con rể như
nó. Ðau ốm gì cũng một tay nó lo, bệnh hoạn nó ngồi một bên năn nỉ đút má
từng muỗng cháo. Nó nghèo nhưng có hiếu lắm. Tui không có con trai, nhưng
thời buổi này có nó còn hơn có chục thằng con trai.”
Ðược biết quê bà cụ ở Rạch Giá, lên Sài Gòn đã được
hơn 11 năm. Khi hỏi tên, bà nói: “Ông nhà tôi chết lâu rồi, người ta kêu theo
ổng là bà Bảy Cỏ Ống.”
Trong mùa Vu Lan báo hiếu, thật mừng cho trường hợp
của bà Bảy Cỏ Ống và những người già còn lang thang kiếm được ít tiền để còn
nhận được sự báo hiếu.
Nhưng với những người già Việt Nam trong gia cảnh
đói khổ khác, liệu giá trị đạo hiếu được vun bồi nghìn đời của người Việt có
cứu giúp đỡ đần được gì cho họ trong một thời đại mà thể chế cầm quyền đang
mở cửa cho một thứ chủ nghĩa tư bản hoang dã, cắn xé không thương tiếc mọi
giá trị truyền đời của dân tộc.
|
Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012
Trước rằm Vu Lan ở Sài Gòn: Chữ hiếu thời nay!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm