Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

RFA : Nguy cơ lây lan vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh C. Difficile

Nguy cơ lây lan vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh C. Difficile

2012-12-26
Những năm trở lại đây, tại Mỹ và một số nước châu Âu phát hiện ngày càng nhiều các ca tử vong do tiêu chảy mà nguyên nhân chính là từ vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh C. Difficile, hay còn gọi là C. diff.
AFP photo
Trong một phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ.

Tuy nhiên các chuyên gia y tế cho rằng sự lây lan của vi khuẩn này có thể trở thành nỗi lo của toàn cầu chứ không chỉ tại các nước phát triển ở phương Tây.

Nguy cơ nhiễm C. Difficile

Bạn bị nhiễm trùng phải uống kháng sinh, hay qua một ca phẫu thuật phải dùng kháng sinh chống nhiễm trùng trong bệnh viện. Chuyện tưởng như quá bình thường. Nhưng điều mà bạn có thể không biết đó là mỗi năm nước Mỹ có đến 14,000 trường hợp tử vong vì vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, chủ yếu là trong các điều trị bằng kháng sinh tại bệnh viện và các cơ sở y tế. Vi khuẩn kháng thuốc gây chết người đó chính là C. Difficile, hay còn được gọi tắt là C. Diff.
Nói về loại vi khuẩn C. Diff gây chết người, bác sĩ Cliff McDonald, chuyên gia tư vấn cao cấp thuộc Cơ quan phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết:
C diff đã tồn tại từ rất lâu nay. Nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1935 trong phân của trẻ sơ sinh. Thực tế chúng ta biết là vi khuẩn này có thể sống hội sinh trong cơ thể người. Trong suốt cuộc đời chúng ta cũng có tiếp xúc với vi khuẩn này trong môi trường. Vi khuẩn này thường tạo thành dạng bào tử để nó có thể tồn tại lâu dài trong môi trường. Nhưng thường thì khi chúng ta khỏe mạnh chúng ta không sử dụng kháng sinh thì chúng ta không phải quá lo nghĩ về vi khuẩn này. Chúng ta có thể nhiễm vi khuẩn này qua thức ăn nhưng thường thì vẫn không sao cho đến khi tiếp xúc với kháng sinh nhiều như hiện nay.
Theo giải thích của các chuyên gia y tế, ruột người có hàng nghìn vi sinh vật và phần lớn không gây hại cho cơ thể người, thậm chí một số loài còn có tác dụng tốt trong điều kiện bình thường. Các vi sinh vật này giúp kìm hãm sự phát triển của những vi khuẩn có hại, trong đó có C. diff. Tuy nhiên, khi có sự mất cân bằng môi trường vi sinh vật trong ruột người, các vi khuẩn có hại tồn tại trong ruột sẽ phát triển và gây bệnh. Vi khuẩn C. diff được coi là một trong những loại vi khuẩn đáng sợ nhất trong ruột người vì một khi loại vi khuẩn này phát triển quá mức nó sẽ sản sinh chất độc tấn công vào thành ruột và gây ra triệu chứng viêm đại tràng màng giả. Bệnh thường được phát hiện chủ yếu ở người lớn tuổi, những người thường hay có bệnh và phải điều trị bằng kháng sinh trong bệnh viện và các cơ sở y tế. Bác sĩ McDonald nói tiếp:
Các bạn nên biết là chủ yếu các trường hợp bị nhiễm khuẩn này xảy ra đối với các bệnh nhân trong bệnh viện, những người nằm ở các cơ sở điều dưỡng ví dụ như cơ sở cho người già và những người đang dùng kháng sinh. Ở Mỹ chúng ta cũng có nhiều trường hợp không nằm ở bệnh viện hay các cơ sở điều dưỡng nhưng có dùng kháng sinh và bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn này.
Việc điều trị kháng sinh lâu dài trong một số bệnh được cho là nguyên nhân gây ra mất cân bằng trong hệ thống vi sinh vật trong ruột người, tạo điều kiện cho C.diff phát triển, nhất là đối với các trường hợp sử dụng kháng sinh phổ rộng tức là loại kháng sinh có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn, bao gồm cả một số loại kháng sinh nằm trong họ với penicillin và cephalosporin. Các yếu tố có nguy cơ cao dẫn đến nhiễm C.diff bao gồm phẫu thuật ruột, các bệnh về đại tràng hoặc ung thư đại tràng, hệ miễn dịch yếu, sử dụng thuốc hóa trị liệu trong điều trị ung thư, đã từng bị nhiễm C.diff trước đó, người lớn tuổi từ 65 trở lên, bị bệnh về thận.

Tại sao C.diff trở nên phổ biến?

Mặc dù thống kê tại Mỹ cho thấy mỗi năm có khoảng 14,000 ca tử vong vì vi khuẩn C. diff nhưng một thống kê trong năm nay của USA Today lại cho con số hơn 30,000 người chết mỗi năm ở Mỹ vì C.diff, gần xấp xỉ con số 32,000 người chết vì tai nạn xe tại Mỹ.
Những năm gần đây, tại Mỹ và nhiều nước phát triển, đã xuất hiện nhiều ca bùng phát nhiễm C. diff. Điển hình là vụ bùng phát vào năm 2001 tại Pittsburg, tiểu bang Pennsylvania, Mỹ. Năm 2003 là một vụ bùng phát khác tại thành phố Montreal, Canada. Từ năm 2002 đến 2006, vi khuẩn kháng thuốc C.diff đã lây lan tại hầu hết các bệnh viện ở Anh, Mỹ, Canada và châu Âu, và bị coi là hiểm họa đối với sức khỏe toàn cầu.
Giải thích về sự bùng phát các ca nhiễm bệnh C.diff tại nhiều nước phương Tây, bác sĩ McDonald cho biết:
Chúng tôi cho rằng đó là sự xuất hiện của chủng vi khuẩn mới, chủng vi khuẩn hiện tại gây bùng phát bệnh tại nhiều nơi. Chủng vi khuẩn này dường như có nhiều khả năng gây bệnh hơn. Cũng có thể là do nguyên nhân tại Mỹ hay các nước phương Tây, dân số đang già đi và người già thường dễ bị nhiễm bệnh bởi vi khuẩn này và nhiều người được kê đơn thuốc kháng sinh do đó cũng dễ bị nhiễm bệnh. Nhưng sự kết hợp của các yếu tố này làm cho bệnh trở nên phổ biến và bệnh thêm nghiêm trọng.
Mặc dù chưa có những thống kê chính thức về các ca nhiễm C.diff tại các nước đang phát triển ở châu Á, nhưng bác sĩ McDonald cho rằng không phải vì thế có nghĩa là các nước này sẽ không gặp phải những thách thức giống như Mỹ và nhiều nước khác đã gặp trong việc đối phó với C. diff. Bác sĩ McDonald nói tiếp:
Tại châu Á hay một số nước khác, họ cũng dùng rất nhiều kháng sinh và thực tế cho thấy họ có thể dùng nhiều kháng sinh hơn các nước phương Tây. Thách thức đối với các nước phát triển là nguồn lực về kiểm soát bệnh dịch còn hạn chế và làm thế nào để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn từ người này sang người khác tại các cơ sở y tế. Đối với vi khuẩn C. diff, tôi muốn nhấn mạnh là đã có tồn tại trong cộng đồng dân cư nhưng những người có nguy cơ nhiễm bệnh nhất là các bệnh nhân trong bệnh viện, và điều quan trọng là khi họ nằm điều trị trong bệnh viện phải làm sao để họ không bị tiếp xúc với vi khuẩn này. Rất nhiều trường hợp nhiễm C diff ở các nước phương Tây là do việc lây nhiễm chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Vì vậy thách thức chính với các nước đang phát triển như ở châu Á là việc sử dụng kháng sinh đúng mức và kiểm soát lây nhiễm vi khuẩn. Có thể lây nhiễm C diff bây giờ chưa phải là vấn đề họ quan ngại nhất nhưng sẽ là vấn đề trong tương lai.
034_682536-200.jpg
Một ca phẫu thuật tại bệnh viện Yale, New Haven, Hoa Kỳ. AFP photo
Mới đây, các nhà khoa học Anh cho biết đã tìm ra nguyên nhân khiến vi khuẩn C. difficile bùng phát và lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới trong thời gian ngắn. Kết quả công bố trên tạp chí Nature Genetics cho thấy vi khuẩn này lây bệnh qua hai chủng khác nhau nhưng có mối liên hệ chặt chẽ là chủng FQR1 và FQR2. Hai chủng này có gen tách biệt khiến chúng có khả năng miễn dịch với fluoroquinolone, là loại kháng sinh đặc trị dùng để điều trị các trường hợp nhiễm C.difficile. giáo sư Brendan Wren, thuộc trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London nói với BBC rằng một khi vi khuẩn này trở thành vi khuẩn kháng thuốc, nó sẽ trở nên nghiêm trọng và lây lan nhanh hơn. Chúng không chỉ miễn dịch với thuốc kháng sinh mà dường như sức đề kháng của chủng vi khuẩn này ngành càng mạnh mẽ và bền bỉ hơn.

Điều trị và phòng tránh

Người nhiễm C.difficile và phát bệnh thường thấy có triệu chứng tiêu chảy, có thể đi nhà vệ sinh đến 15 lần trong ngày. Kèm theo đó là triệu chứng đau quặn bụng, không muốn ăn, có thể có sốt. Phân có máu và mủ. Trong một số trường hợp, có thể dẫn đến thủng ruột gây chết người nếu không được điều trị kịp thời.
Thường bệnh nhân bị nghi nhiễm C. difficile sẽ được bác sĩ cho thử chất độc tìm thấy trong phân. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định soi đại tràng.
Để điều trị nhiễm C.difficile, các bác sĩ kê đơn kháng sinh đặc trị vi khuẩn này với các dạng kháng sinh phổ biến là metronidazole (thuốc hãng có tên là Flagyl), dificid (đặc dược là fidaxomicin) hoặc vancomycin (đặc dược là vanconcin). Thường Flagyl là thuốc được dùng đầu tiên. Khi điều trị thuốc, các triệu chứng có thể giảm dần sau 72 giờ, nhưng đôi lúc vẫn có thể thấy có tiêu chảy.
Theo bác sĩ McDonald, các bác sĩ khi điều trị bằng kháng sinh cho bệnh nhân với các bệnh khác, cũng nên chú ý đến khả năng bệnh nhân bị nhiễm C.difficile, đó cũng là kinh nghiệm của Hoa Kỳ.
Tôi muốn nói về kinh nghiệm ở Mỹ khi phát hiện các trường hợp bị bệnh do vi khuẩn này, người ta chú ý thấy là những bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn này và sau đó tử vong, và lúc đó họ không rõ là do nguyên nhân vi khuẩn hay do người già ốm mà chết. đó cũng là một thách thức để nhận biết bởi vi khuẩn này ảnh hưởng phần lớn đến những người lớn tuổi và bị bệnh vì một nguyên nhân nào khác. Vì thế rất có thể bác sĩ đi đến kết luận là bệnh nhân này tử vong khi có tiêu chảy trong bệnh viện vì người bệnh có các bệnh khác chứ không phải do tiêu chảy. Thực tế khi chúng tôi nghiên cứu và thấy là chủng vi khuẩn C diff mới nhiễm vào họ và những người đáng nhẽ không chết lại chết vì chủng vi khuẩn này.
Trên thực tế có những trường hợp nhiễm C.difficile không nặng và bệnh nhân có thể hết các triệu chứng sau khi dừng sử dụng kháng sinh.
Để phòng tránh C.difficile, chuyên gia của CDC khuyên mọi người nên coi trọng giữ vệ sinh sạch sẽ bằng cách thường xuyên rửa tay, không sử dụng chung bồn cầu chưa được làm sạch trong nhà nếu phát hiện có trường hợp bị tiêu chảy. Trường hợp người bệnh bị tiêu chảy sau khi đã dùng kháng sinh trong vòng 12 tuần và tiêu chảy kéo dài từ 2 đến 3 ngày thì nên cân nhắc việc ngừng sử dụng kháng sinh và đến khám bác sĩ. Khi đưa ra lời khuyên này, bác sĩ Mc Donald một lần nữa nhấn mạnh phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh do C.difficile là do sử dụng kháng sinh lâu ngày.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm