Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Sài Gòn nhìn từ trên cao

Văn Lang/Người Việt

Nếu như trước kia muốn nhìn Sài Gòn từ trên cao, (không kể từ phi cơ), thường thì chỉ đến cà-phê từ tầng 6 của khách sạn Caravelle nhìn xuống đại lộ Nguyễn Huệ hay lên cà-phê sân thượng của khách sạn Majestic nhìn xuống bến Bạch Ðằng. Chỉ mới bao nhiêu đó thôi đã thấy một cảm giác “lâng lâng” khó diễn tả khi được nhìn Sài Gòn từ trên cao, thoát khỏi cảnh khói, bụi, ồn ào, kẹt xe...

Khu trung tâm Sài Gòn trong lúc hoàng hôn, hình chụp từ cà phê Skydeck, cao ốc Bitexco Financial Tower. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Nhưng sau này, khoảng từ 2004, Sài Gòn bắt đầu “chạy đua” với những kiểu “sky-building,” bắt đầu có sự vươn lên những “tầm cao” mới. Người Sài Gòn có thể đến cà-phê Panoramo ở tầng thứ 33 của tòa nhà SaiGon Centre, để có thể nhìn xa hơn, bao quát hơn khung cảnh của Sài Gòn.

Và gần đây nhất là sự đi vào hoạt động của tòa nhà cao nhất Sài Gòn, cũng đồng thời được xem là “biểu tượng mới” của một Sài Gòn đang cố gắng vươn lên, tuy chưa bằng ai nếu so với sự phát triển của các nước trong khu vực, nhưng người ta cũng đang hy vọng vào sự “trỗi dậy” dù khá muộn màng của một Sài Gòn đã từng một thời được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Ðông. Tòa nhà cao 68 tầng, với tên gọi là Bitexco Financial Tower, với kính viễn vọng nhìn Sài Gòn từ trên cao đặt ở tầng 61 và cà-phê skydeck ở tầng thứ 50. Với khuôn kiếng bao quanh, cho phép người ta nhìn Sài Gòn từ nhiều hướng.
Ðến đây uống cà-phê, ngắm Sài Gòn trong ánh hoàng hôn, nhìn dòng sông tương phản nắng chiều xuống lấp lánh, và khi thành phố lên đèn xóa đi những “tồi tàn” của những mái nhà lợp tôn hoen rỉ, Sài Gòn cũng lung linh ánh đèn như bao nhiêu “kinh kỳ” khác trên thế giới.
Ngắm nhìn và bỗng thấy chìm đắm trong bao nhiêu suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai của một thành phố lớn nhất Việt Nam, rộng nhất Việt Nam, đông nhất Việt Nam, quan trọng nhất đây là một thành phố trẻ, mà sự ra đời của nó gắn liền với thời kỳ “hiện đại” và lịch sự phát triển đô thị mới của Việt Nam.
Trên tất cả, Sài Gòn có lẽ là thành phố duy nhất của Việt Nam chưa bao giờ hoàn toàn chìm trong giấc ngủ vào ban đêm. Có người ví von, Sài Gòn nếu có hai con mắt, thì khi đêm xuống một con mắt chỉ “khép hờ” còn con mắt kia vẫn thức thâu đêm, dường như nhịp sống của đô thị hiện đại chưa bao giờ chịu “tắc” trong huyết quản của đô thành Sài Gòn.

Quán cà phê Skydeck ở tầng thứ 50 của tòa cao ốc 68 tầng Bitexco Financial Tower. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Sài Gòn nhìn từ trên cao từ những “top of the world” như tòa nhà 68 tầng ở Sài Gòn sẽ không nhìn thấy những người bán hàng rong oằn vai chạy đuổi theo du khách hay những người phu xích-lô lẽo đẽo đạp xe theo mấy ông Tây để mời chào. Và nếu nhìn từ trên những tầng cao như vậy cũng sẽ không nhìn thấy những khu nhà ổ chuột, ngay cả con kênh đen thui, bốc mùi xú uế chảy dưới gầm Cầu Ông Lãnh, là “lằn ranh” ngăn đôi giữa quận 4 và quận 1 trong ánh hoàng hôn nhìn từ thật xa con kênh ấy cũng tỏ ra “lấp lánh” ánh chiều, đôi khi người ta còn lầm tưởng đó là đôi bờ của dòng sông Sài Gòn.
Sài Gòn nhìn từ trên cao mới thấy nhà cửa chen chúc, nhấp nhô và cái thiếu nhất của Sài Gòn đó là những mảng cây xanh, nếu so với Huế hoặc Hà Nội thì Sài Gòn là một đô thị “trần trụi” của tôn, gạch và bê-tông.
Nhìn từ trên cao để thấy tổng thể của Sài Gòn mới thấy Sài Gòn còn rất thiếu những “điểm nhấn” kiến trúc hay hoặc những tượng đài để du khách có thể nhìn ngắm.
Những công trình kiến trúc đẹp được du khách quan tâm thì hầu hết đều là những kiến trúc có từ thời thuộc địa do người Pháp xây dựng, như nhà thờ Ðức Bà, Dinh Xã Tây (thời VNCH là Tòa Ðô Chánh Sài Gòn, nay là Ủy Ban Nhân Dân thành phố), Hạ Viện cũ (nay là Nhà Hát Thành Phố, thời Pháp thuộc dân gọi là nhà hát Tây), Bưu Ðiện Sài Gòn... Nhiều khách sạn cũ mang dấu ấn kiến trúc thời thuộc địa cũng rất đẹp nhưng bây giờ được sửa sang lòe loẹt nhìn chẳng giống ai như Continental, Caravelle...
Sài Gòn nhìn từ trên cao, hay ở dưới mặt đất gì đều thấy nó như một công trường xây dựng ngổn ngang, bề bộn và có vẻ như không “hứa hẹn” ngày kết thúc công trình. Ðào đường, lô- cốt án ngữ ngã tư, kẹt xe thì không cần phải lên cao mới thấy.
Nhưng nhìn từ trên cao, qua phía bên kia bến phà Thủ Thiêm (cũ) mới thấy một vùng đất được giải tỏa trắng nằm phơi mình trong nắng chiều, đã hơn một năm nay vẫn chưa thấy công trình nào được động thổ. Dự án xây dựng một khu trung tâm thương mại, hành chánh bên phía quận 2-Thủ Thiêm được “kỳ vọng” như một khu phố Ðông của Thượng Hải có vẻ là một câu chuyện “viễn mơ,” vì không rõ vốn “tự có” của Sài Gòn là bao nhiêu? Trong khi thị trường bất động sản đóng băng, kinh tế suy thoái, các nhà đầu tư nước ngoài đang thoái vốn khỏi thị trường Việt Nam.
Khi chúng tôi có mặt tại cà-phê của tòa tháp 68 tầng, có một đôi bạn trẻ ở gần bàn của chúng tôi, lúc chàng trai đang loay hoay chụp hình thành phố từ trên cao, cô gái không biết giận chuyện gì, bỗng nhiên cự nự: “Chụp gì mà chụp hoài, thành phố này có cái gì đẹp đâu mà chụp!”
Một ông Tây già, sống ở Sài Gòn đã mấy mùa mưa, phát biểu với báo giới, ông ta nói rằng ông ta yêu Sài Gòn vì nó không giống với các đô thị khác trên thế giới. Theo ông ta, Sài Gòn không chỉ là một đô thị hiện đại mà nó còn là nơi “chứa” rất nhiều lối sống của một thị trấn nhỏ, sự đan xen giữa hai lối sống làm cho ông ta cảm thấy dễ chịu.
Quả đúng vậy! Nhận xét của ông Tây kia quả là quá chính xác và phải yêu, phải tinh tế lắm mới nhận ra sự thật “hiển nhiên” trên của Sài Gòn. Không chỉ các quận mới hoặc vùng ven Sài Gòn mới thấy lối sống thị tứ miền quê đầy ra, mà ngay cả tại trung tâm quận 1, cũng không khó để bắt gặp những cảnh người ta ngồi đánh cờ tướng bên vỉa hè, cảnh một ông già mở phanh áo ngực ngồi ghế xếp lim dim cặp mắt khép hờ dưới tán cây trước cửa tiệm những trưa hè nóng nực mặc xe cộ qua lại như mắc cửi, bóp còi inh ỏi. Chưa kể mấy tay nuôi chim, nuôi gà đá thì bất kể gốc cây, vỉa hè chỗ nào họ cũng có thể “gầy sòng” được.
Sài Gòn bây giờ giống như “người đẹp ngủ trong rừng,” thức dậy chưa? Bởi vì dĩ vãng của “Hòn Ngọc Viễn Ðông” đâu có quá xa, mới chỉ là ngày hôm qua, chỉ cần một cơ chế chính sách đúng, Sài Gòn sẽ trở lại có mặt cùng với những Ðông Kinh, Thượng Hải...
Ừ! Cứ mơ đi, vì tính cách lạc quan và luôn yêu đời dù trong những nghịch cảnh, trái ngang là vốn quý muôn thủa của một Sài Gòn đang chờ vươn mình đứng dậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm