Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Ðình làng Lục Tỉnh xưa và nay

Nam Sơn Trần Văn Chi

Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh
(Ca dao)
Thuở ban đầu đình làng Việt Nam ở miền Bắc chỉ là quán để nghỉ chân. Năm 1231, Trần Nhân Tông xuống chiếu cho đắp tượng Phật ở đình quán. Rồi ngôi đình làng với chức năng mới là nơi thờ Thành Hoàng và là nơi hội họp của dân chúng có lẽ bắt đầu vào thời Lê sơ và định hình vào thời nhà Mạc. Có lẽ sự phát triển của Nho giáo vào cuối thế kỷ15 đã ràng buộc dần Thành Hoàng vào đình làng.

Cổng đình Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. (Hình: Wikipedia)
Ðình làng Lục Tỉnh

Mỗi làng ở trong Gia Ðịnh có dựng một ngôi đình, ngày cúng tế phải chọn cho được ngày tốt, đến buổi chiều ngày ấy lớn nhỏ đều nhóm tại đình, họ ở lại suốt đêm ấy, gọi là túc yết. Sáng ngày mai học trò lễ mặc áo, mão, gióng trống khua chiêng làm lễ chánh tế, ngày sau nữa làm lễ dịch tế, gọi là đại đoàn, lễ xong lui về.

Ngày giờ cúng tế tùy theo tục từng làng không đều nhau, hoặc lấy Tháng Giêng cầu phúc gọi là Tế Xuân; hoặc lấy tháng 8, 9 báo ơn thần là Tế Thu, hoặc lấy trong 3 tháng mùa Ðông là tế tròn năm thành công. Tế chưng, tế lạp chạp là đáp tạ ơn thần. Việc tế đều có chủ ý chung gọi là Kỳ Yên.
Ngoài tế phẩm ra có mổ trâu, bò, và ca hát hay không ấy là tùy lệ từng làng, việc ngồi có thứ tự đều nhượng cho vị hương quan ngồi trên, hoặc làng nào có học thức thì làm theo lễ Hương ẩm tửu, cùng giảng quốc luật và hương ước, ấy gọi là làng có tục tốt. Cũng trong ngày ấy xét sổ sách làng coi trong một năm ấy thâu nạp thuế khóa, tiêu dịch, lúa tiền thiếu thế nào, ruộng nương được mất thế nào trình bày tính toán công khai; rồi cử người chức sự làm việc làng và cũng bàn giao chức vụ trong ngày ấy...” (Theo Gia Ðịnh thành thông chí, trong mục Phong Tục, Trịnh Hoài Ðức).
Tinh thần của người Lục Tỉnh được biểu hiện qua ngôi đình làng như một cơ sở thờ tự và sanh hoạt rất đặc biệt.
Ði đến đâu cũng lập đình, xây miếu mạo là một dạng thức tín ngưỡng bản địa được các lưu dân Việt xác lập trên vùng đất mới.
Do nhu cầu tồn sinh lưu dân kết nối nhau trong phạm vi đất đai nhỏ là làng xóm thông qua triều đình Huế. Ðình làng lúc đầu chỉ có chức năng là ngôi nhà lớn, dùng làm nơi nghỉ ngơi, tá túc cho khách lỡ đường. Dần dà về sau, nhà vua mới sắc phong cho các vị có công với nước là thần Thành Hoàng, những mong các vị thần Thành Hoàng này chăm lo, bảo trợ cho dân làng sống an khang.
Nếu như ở đồng bằng sông Hồng, việc xây dựng đình miếu trong mỗi làng là điều hiển nhiên, thì đối với vùng đất mới phương Nam, việc xây đình lập miếu khó khăn hơn! Trước hết phải được nhà vua công nhận làng mới, sau đó mới xin phép xây đình miếu, rồi nhận sắc thần vua ban.
Mãi đến năm Tự Ðức thứ 5 (1852), có lẽ đoán trước thời nguy khốn của đất nước trước người Pháp, vua và các quan hấp tấp ban bố đồng loạt nhiều sắc thần cho các làng Nam Kỳ. Vài làng có sắc thần từ trước, nhưng đã mất hoặc muốn chắc ăn, cũng xin thêm một sắc nữa.
Ðình làng Lục Tỉnh trở thành chỗ dựa chánh trị mới của Vua.
Ðình đã đóng một vai trò quan trọng. Vì là nơi thờ cúng vị Thần Hoàng làng, mà lại còn là chỗ họp của các vị hương chức để thảo luận, xét xử việc công, hay tổ chức cúng tế trong những Kỳ Yên.

Kiểu dáng đình Lục Tỉnh

Ðình Việt Nam xây kiểu hình chữ đinh (T ngược) và hình chữ công (tức là I). Ðình kiến trúc theo kiểu này, chia ra làm 2 phần cách biệt:
-Ðình trong hay hậu cung, hoặc nội điện, là chỗ thâm nghiêm nơi thờ Thần Hoàng. Phần ngang gọi là đình ngoài hay tiền tế hoặc đại bái. Trong hậu cung thường có tượng hoặc bài vị của Thần Hoàng làng thờ, ở trong long ngai hoặc long khám. Trên bàn hương án có hòm sắc, đựng sắc phong và kinh sách, cùng những bộ thờ tam sự, hay ngũ sự, có đài rượu, quả, trầu, v.v...
Trước bàn hương án có bày các đồ nghi trượng và lễ bộ như: loan giá, long đình, bát bửu, cờ quạt, tàn tán.
-Ðình ngoài chia làm ba khoảng: giữa gọi là trung đình, nơi tế tự, hai bên gọi là gian tả và gian hữu. Trong hai gian này có kê bàn thờ thổ địa hay thờ bộ hạ của thần, hoặc hậu thần.
Nơi đây cũng là chỗ để hằng ngày các vị hương chức thường xuyên hội họp, xét xử mọi việc công, cũng như nhà việc hay nhà làng bây giờ vậy. Ở hai bên tả hữu đình làng thường có thêm hai dãy hành lang xây cất cách đơn sơ, dùng làm nhà bếp, nơi giết trâu bò, sắp dọn cỗ bàn trong những ngày tế lễ.
Ðình làng trong Nam đặc biệt có Vỏ Ca (gian trước), dành làm nơi xây chầu hát bội vào mỗi dịp lễ Kỳ Yên.
Hầu hết đình đều lợp ngói, một kiểu ngói thuần túy Việt là “ngói bằng” hay “ngói móc.” Ðình thường lợp hai lần ngói. Lần đầu, bên dưới là lượt “ngói chiếu” có sơn phết sạch sẽ (trắng) hay có trang trí. Lần sau bên trên là lượt “ngói phủ.” Vì thế mới có ca dao:
Qua đình ngả nón trông đình,
Ðình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.

Lễ hội Kỳ Yên

Lễ hội đình làng là cầu nối tâm linh giữa con người, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai... Ở Nam Kỳ, theo tục lệ cổ truyền thì người có công khai hoang lập ấp đầu tiên được dân tôn kính, coi là vị tiền hiền, được dân quý trọng và lập đền thờ ở đình làng. Ðôi khi, còn được lấy tên để đặt địa danh nơi đó, hoặc tên đường phố, trường học, sông ngòi. Nên dân gian có câu:
Thành hoàng bổn cảnh, đất đai viên trạch
Ngôi đình là trung tâm của hội làng, từ già trẻ đến gái trai tụ tập tế lễ. Ngoài đình có những cuộc vui chơi lành mạnh, thoải mái. Lễ cúng đình được tổ chức long trọng. Ban tế tự đình mặc áo dài, khăn đóng trang trọng. Kiệu sơn son thếp vàng chạm trổ tứ linh. Dẫn đầu đoàn lễ sinh rồi đến dân chúng. Nổi bật là đội múa lân có ông địa rất hào hứng sôi nổi. Khi đoàn cung nghinh sắc thần chu du trong làng trở về đình, các thân hào nhân sĩ đứng đón hai bên, khăn áo chỉnh tề.
Ðình được xây mặt hương Nam, cất bằng danh mộc, cột gỗ to tròn thẳng đứng đặt trên những hòn đá tảng lớn, kèo, xà ngang, xà dọc cũng làm toàn gỗ tốt. Tường xây gạch, mái lợp ngói cong vút trông tựa hình đuôi chim phượng uốn cong. Trên nóc đình, gắn hai con rồng tranh nhau một quả châu gọi là lưỡng long tranh châu biểu tượng dân Việt là con Rồng cháu Tiên.
Sân đình thường lát gạch tàu. Trước đình có tấm bảng xây cao khoảng 1.50m, dài 2.50m nhằm che chắn không cho bên ngoài ngó thấy bên trong, và ngược lại.
Ban quí tế tức Ban Hội Tề
Ban hương chức hội tề, hay Ban Tế Tự Ðình gồm nhiều người có đạo đức tốt, có nhiều cống hiến cho đình, cho làng.
Phân chia ra làm ba loại hương chức:
Hương chức loại 1: Hương chức Ngoại Vụ có: Hội trưởng; Chánh bái, Phó bái, Bồi bái, Tiên bái; Và Nội Vụ có Chánh tế, Phó tế, Bồi tế.
Hương chức loại 2 gồm có: Giáo sư (cố vấn mọi mặt), Hương quan (cố vấn nghi lễ, tục lệ), Hương lễ (chỉ huy ban lễ sinh), Hương nhạc (chỉ huy ban nhạc lễ), Hương văn (soạn thảo văn tế), Hương ẩm (tổ chức tiệc tùng), Thủ bổn (lo việc sổ sách và kiểm tra lễ vật), Thủ từ (giữ đình, lo việc đèn nhang mỗi ngày).
Hương chức loại 3: tức hương chức Ngoại hội tề, gồm những người phụ giúp việc đình miếu.
Một điều khác lạ so với miền Bắc là:
-Dầu là người đỗ đạt cao hay làm quan to thì cũng chỉ là khách quí khi về dự cúng đình chứ không được đứng làm chủ tế.
-Ðình không hề phân biệt dân cố cựu, dân ngụ cư. Dân mới cư ngụ đôi ba năm, vẫn có thể được cử làm hương chức.
-Ở miền Nam cũng không hề có trường hợp bắt ai phải làm “thằng mõ,” vì là người rất nghèo và bị dân làng coi thường.
***
Hiện nay đa số đình làng Lục Tỉnh đã bị xuống cấp nghiêm trọng,vì không có tổ chức nào đứng ra lo việc trùng tu. Một số ít tuy được trùng tu, nhưng vì một lý do nào đó, ngôi đình đã mất đi ít nhiều cái hồn di sản của cha ông.
Ngoại trừ những ngày có lễ tế; những ngày còn lại cửa đình gần như khép kín quanh năm. Vì sao mối gắn bó giữa đình làng với người dân làng không còn được như xưa nữa, vấn đề này rất cần câu trả lời...



Trần Văn Chi
Tuyển tập Biên khảo
Phong Tục-Văn Hóa
Sắp phát hành. Kính mời
tranvannamson@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm